“Books like friends, should be few and well-chosen” Bạn cũng như sách, cần ít nhưng phải tốt”

“Books like friends, should be few and well-chosen”
Bạn cũng như sách, cần ít nhưng phải tốt”

Ngày đầu một năm học mới, có lẽ không có gì thích hợp để chia sẻ hơn chuyện đọc sách. Nhân tiện chấp nhận thử thách Book Bucket Challenge từ bạnHằng Trần xin được chia sẻ với mọi người đôi điều về sách và kiểu đọc sách của mình.
Mình đặc biệt thích thú với việc so sánh sách với những người bạn, vì dù muốn hay không, chúng ta đều chịu sự ảnh hưởng vô hình vô cùng to lớn từ những điều đó. Nếu như đã có peer pressure, thì chắc chắn cũng có book pressure.
Bạn đọc sách tốt, chơi với những người bạn tốt, tự thân muốn trở thành người tốt: không khó.
Bạn đọc sách xấu, chơi với những người bạn xấu, tự thân muốn trở thanh người xấu: rất dễ.
Một trong những may mắn đầu đời mà mình cảm nhận được đó là được sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều mê đọc sách. Họ đều có những quy tắc chọn sách riêng và sở thích khác nhau, nhưng tựu chung lại đều giống như tiêu đề của bài viết: một câu danh ngôn của Samuel Johnson mà mình luôn coi đó là tiêu chí cốt lõi trong việc hình thành văn hóa đọc của bản thân. Vì sao?
Vì thế gian có hàng tỷ người, ta gặp trăm người, ta nói chuyện vạn người, ai thật là bạn ta, ai thật là người hiểu ta?
Vì sách của nhân loại đã viết ra đã đủ xếp đến tận mặt trăng, đời ta có đủ dài để đọc cho hết, cho tường tận?
Vậy nên nói như Mẹ mình “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” và nói như Bố mình thì “Muốn lên núi dạo chơi, cứ đi bộ từ chân núi, thảnh thơi, còn muốn nhìn ra bốn phương thế giới, hãy tìm đường tắt, nhanh nhất, để leo nhanh đến đỉnh núi”. Và con đường tắt ấy, chính là chọn đọc những cuốn sách hay nhất, kinh điển nhất, xuất sắc nhất trong từng lĩnh vực, đỉnh núi ấy chính là đôi vai của những con người vĩ đại, những học giả xuất chúng.
Sách có nhiều loại, loại đọc để vui, đọc để biết, đọc để kiếm tiền, đọc để nghĩ, và đọc để sống; sách để đọc một lần, sách để đọc nhiều lần, và sách đọc mãi chưa hết…….Trong cuộc đời mỗi chúng ta, sẽ đều đọc qua tất cả các thể loại trên, nhưng đâu là “những gì còn lại”???
Và đây là những cuốn sách ấn tượng nhất mà mình đã đọc và list sách Đọc để Sống của mình. Vì là Đọc để Sống nên sẽ không liệt kê những cuốn sách chuyên môn, và chuyên ngành, sách ngoại văn;và thói quen của mình là đã đọc thì sẽ tìm đọc một mạch tất cả các tác phẩm của tác giả mà mình yêu thích.

1. Robinson trên đảo hoang – Daniel Defoe
Đây là cuốn sách đầu tiên mình có thể tự đọc được nên luôn ghi nhớ nó với một vị trí đặc biệt: Cuốn sách đầu đời. Mình tìm thấy nó trong một thùng giấy carton khi chuyển nhà hồi lớp 2.
Điều quan trọng nhất phát hiện ra không phải là nội dung cuốn truyện, mà là: Đọc sách là một điều cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Từ sau cuốn sách này, mình luôn ngấu nghiến đọc tất cả mọi thứ, kể cả các loại Kinh Phật và Kinh Thánh……

2. Những người khốn khổ – Victo Hugo
Đây là cuốn sách do Bố giới thiệu. Đó là một cuốn cũ kĩ, bọc bìa cứng mầu nâu trong tủ sách của ông nội. Đọc lần đầu tiên năm 12 tuổi, lần thứ hai năm 15 tuổi, lần thứ ba năm 19 tuổi, lần thứ tư năm 21 tuổi. Tác phẩm này cực kỳ thú vị, xứng đáng là đại kiệt tác của văn học Pháp, mỗi lần đọc ở những độ tuổi khác nhau sẽ tự tìm ra những bài học mới, ý nghĩa mới. Bố hay dùng tư liệu trong tác phẩm này để dạy và tranh luận cùng với mình.
Bài học lớn nhất tự rút ra:
“Cuộc sống có quyền khốn khổ vì đôi khi nó cần phải vậy, còn bản thân mình có khốn khổ hay không là do mình định đoạt.”
Đọc tác phẩm này là mở đầu cho những tháng ngày cày văn học Pháp với V. Hugo và Banzac…….

3. Bộ tiểu thuyết của Sydney Sheldon: Nếu còn có ngày mai, Hãy kể giấc mơ của em, Phía bên kia nửa đêm, Bầu trời sụp đổ…….
Đây là tác phẩm do Thang Pham giới thiệu “Nếu còn có ngày mai” sau đó tự tìm đọc trọn bộ tất cả các tiểu thuyết khác của tiểu thuyết gia hàng đầu nước Mỹ Sydney Sheldon. Thích thú ở chỗ đọc cuốn này từ khi ở Việt Nam ít người biết đến Sydney Sheldon là ai và chưa nổi tiếng, theo phong trào như về sau này.
Xuyên suốt mạch thông điệp của bộ tiểu thuyết này là: Sự phức tạp của bản thân mỗi người giữa một thế giới hiện đại cực kỳ hỗn độn, nhưng sống là phải có niềm tin và hi vọng về ngày mai tốt đẹp hơn.
Truyện làm rất tốt chức năng vừa giải trí, kịch tính như phim Mỹ, nhưng cũng vừa làm độc giả phải suy nghĩ.

4. Trên sa mạc và trong rừng thẳm – Henryk Sienkiewicz
Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi cực hay của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz – một tác giả đạt giải Nobel Văn học xuất bản từ năm 1912. Đây là cuốn sách mình giới thiệu cho Bố, Bố đã nghỉ một buổi làm để ở nhà đọc cho hết, và sau đó nghỉ tiếp một buổi nữa để bình luận về tác phẩm này. ^.^
“Chỉ có dũng cảm và tình yêu thương mới vượt qua được khó khăn và nỗi sợ hãi.”
Ai yêu những cuộc phiêu lưu, yêu Phi Châu rất nên đọc.

5. Bộ tiểu thuyết của Dan Brown: Mật mã Da Vinci, Pháo Đài Số, Điểm dối lừa, Thiên thần và Ác quỷ, Biểu tượng thất truyền,
Đặc biệt thích thú với loạt tiểu thuyết nổi tiếng này vì phù hợp với sở thích vừa đọc vừa nghĩ, vừa học được những điều mới về văn hóa, văn minh, đặc biệt là về tôn giáo. Cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn, đã mở ra thì khó lòng đặt xuống khi chưa xong.

6. Đắc nhân tâm – Dale Carnegie
Đây là cuốn sách do Mẹ chỉ định đọc. Mẹ nói phần lớn những gì Mẹ chưa kịp dạy con về ứng xử trong cuộc sống đều có trong cuốn sách này. Đúng thế thật!

8. Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
“Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Một tác phẩm ngắn gọn, tường minh và dễ đọc để có thể nắm vững lịch sử nước nhà cho đến thời cận đại.

9. Lịch sử văn minh thế giới – Vũ Dương Ninh (Chủ biên)
Cuốn sách đề dẫn, chìa khóa tóm gọn mọi đề mục để từ đó có thể nghiên cứu, tìm hiểu sâu thêm về các nền văn minh trên thế giới.

10. Cuốn theo chiều gió – Margaret Mitchell,
Sử thi về tình yêu vĩ đại đầu tiên và duy nhất mình đọc, vì không thích đọc chuyện tình. Đọc tác phẩm này để có thể hiểu và yêu phụ nữ.

10. Tứ đại danh tác văn học Trung Hoa: Thủy Hử, Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hồng Lâu Mộng.
Đây là trước tác không-thể-bỏ-qua của văn học Trung Hoa cổ đại, tinh hoa hàng ngàn năm của trung quốc trong quá khứ, đọc bốn tác phẩm này là đủ. Tam Quốc – có tính ứng dụng cao nếu biết vận dụng trong thực tiễn cuộc sống và công việc, đặc biệt là kinh doanh. Tây Du Ký – là một tác phẩm triết học đa nghĩa hơn là tác phẩm văn học. Thủy Hử – là cẩm nang xây dựng và sử dụng nguồn lực con người, bài học lớn về duy trì và phát triển tổ chức. Ứng dụng được bài học từ các tác phẩm này thì còn xuất sắc hơn vô vàn các thể loại sách self-help, dạy làm giàu đang bán tràn lan trên thị trường.

Sách đang đọc dở: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên – Laura Ingalls Wilder. Mình không đi xin một vé đi về tuổi thơ, mình đi tìm, và đây là vé đi về tuổi thơ của mình.
Sách đang muốn đọc: Hỏa ngục (Inferno) – Tác phẩm kế tiếp của Dan Brown, tò mò muốn đọc tiếp xem Dan Brown còn giữ được lửa, giữ được đỉnh cao không, nhưng hiện nay ở Anh chưa tìm được bản tiếng Việt. Sách văn học bắt buộc phải đọc bằng tiếng Việt mới tập trung cảm nhận được giá trị của tác phẩm.

Trong ảnh, là ảnh chụp trong một cửa hàng sách độc đáo vô cùng, đó là một chiếc thuyền nhỏ đậu bên bờ sông với không gian vô cùng ấm cúng và đậm chất Châu Âu năm 2013