CASE STUDY “KIỀM CHẾ CƠN GIẬN DỮ: BÍ QUYẾT ĐỂ HẠNH PHÚC”


Thắng bé vừa đi chơi về, sự vui vẻ tích luỹ sau hai ngày đi nghỉ ở biển cùng đồng bọn nhanh chóng tan biến khi phát hiện ra bạn cùng nhà đã làm trái nguyên tắc được thống nhất: chìa khoá dự phòng phải luôn được để đúng vị trí quy định và không bao giờ được mang vào phòng, dùng xong phải ngay lập tức trả lại vị trí cũ.
Hôm nay bạn ấy quên và đồng nghĩa với việc mình sẽ bị ở ngoài cho đến 12h – khi bạn ấy đi làm về. Những 7 tiếng nữa?? Như một lẽ tự nhiên, cơn giận dữ sẽ nhanh chóng kéo đến, và mình biết là nếu không xử lý ổn thoả thì mình sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề hơn là chuyện bị nhốt ở ngoài trong từng đấy thời gian.
Phải làm gì đây???
Gọi điện và mắng mỏ? Stupid! Very Stupid! Ý văn học là: Chớ có ngu!
Đấy là sai lầm thường gặp nhất của mọi cuộc cãi vã. Khi tức giận, thì dù bạn có là Victor Hugo hay Mạc Ngôn thì ngôn từ của bạn cũng không được hay, được đẹp như khi bạn đang bình tĩnh. Và mọi lời nói trực tiếp đó đều sẽ nghiêng về chỉ trích đối phương để giải toả sự tức tối trong bạn. Nhưng chỉ trích luôn luôn là vô ích, nhất là với phụ nữ. Trong mười điều ngu ngốc nhất hành tinh đã được loài người thống kê, thì cãi nhau với phụ nữ luôn được bầu chọn với thứ hạng cao. Sau mọi cuộc cãi vã, kiểu gì bạn cũng sẽ phải nhận sai và xin lỗi ngay cả khi họ còn lâu mới đúng. Thế giới đã qua rồi cái thời chỉ xin lỗi xuông là xong, thiệt hại về vật chất và tinh thần là không hề nhỏ.
Chỉ cần mình dại dột khơi mào, dù mình đang đúng, thì nguy cơ tan nát hai ngày nghỉ lễ còn lại là rất cao. Nhất là khi đối phương chỉ cần nghe thấy một âm thanh lớn 90 decibel là mắt đã ngân ngấn nước thì tốt hơn hết là bạn đừng châm lửa đốt thùng thuốc súng. Chẳng dại gì mà làm vậy!
Nhưng nếu chỉ nhẫn nhịn và cam chịu ngồi đợi đến 12h để được vào nhà vì một lỗi không phải của mình, thế thì thật không công bằng!
Và người nông dân thấy mình thật khôn ngoan khi tìm ra giải pháp. Nhẹ nhàng nhắn tin hỏi đối phương: “Em lại để quên chìa khoá trong phòng rồi phải không?” và đợi nàng xác nhận đúng là lúc bạn có thể tung ra “khổ nhục kế”: “Không sao, mình sẽ ngồi đây đợi bạn đến 12h về mở cửa cho mình.”
Nếu đối phương thuộc dạng máu lạnh như các loài lưỡng cư, đừng dại mà nói thế, nó sẽ để cho muỗi khiêng bạn đi ngay trong đêm.
Nhưng nếu đối phương thuộc dạng “máu nóng” như 7 tỷ con người khác, 99,99% họ sẽ cảm thấy có lỗi ghê gớm còn hơn cả vạn lời mắng mỏ, và xét về mặt tâm lý học, họ sẽ có xu hướng chấp nhận mọi đề nghị, yêu cầu của bạn nhằm giải toả cảm giác “có lỗi” đang bao trùm, kiểu như “Anh đi ăn hay đi uống gì đi đợi em về, em sẽ bù.” – chỉ cần đợi một câu nói như thế là coi như bạn đã thắng lớn.
Nếu như ngày bình thường bạn chỉ uống Freeze ở The Coffee House thôi thì hôm nay hãy mạnh dạn vào Starbuck mà hô thật to: “Em ơi, cho anh một Frappuchino Double Cream size lớn nhất.”
Nếu như ngày bình thường bạn chỉ ăn hoành thánh mỳ thôi thì tại sao hôm nay không vào The Sofitel mà order thật nhẹ nhàng “Em ơi, cho anh 2 con tôm hùm nướng phô mai kèm theo 1 chai rượu vang Pháp loại ngon nhất nhé.”
Sau khi ăn no, uống say, má ửng hồng, bạn sẽ trở về nhà đúng lúc cô ấy đã ngồi sẵn ở nhà với gương mặt không thể có lỗi hơn vì đã lỡ để bạn lang thang ở ngoài cả buổi tối. Chỉ cần chìa đống bill ra, cười thật tươi và nói “Cảm ơn em đã tài trợ cho anh một buổi tối rất thú vị. Lần sau cứ thế nhé.”, đừng quên thơm nhẹ một cái để phân tán sự chú ý của đối phương vào những con số ghi trên bill.
Để cho nàng trả học phí một lần như vậy, lần sau dù có cho vàng, cũng không bao giờ dám lấy cái chìa khoá dự phòng ra khỏi chỗ quy định nữa.
Người Anh nói: One stone gets two birds (Một hòn đá ném hai con chim) là đây.
Chẳng việc gì phải nói to, vừa mất hình ảnh, vừa sản sinh năng lượng tiêu cực, vừa gây tổn hại quan hệ song phương, vừa không giải quyết được vấn đề, vớ vẩn lại còn tạo mâu thuẫn dài lâu, căng thẳng leo thang, gây bất ổn hoà khí vốn có, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Cứ việc nhẹ nhàng và ứng xử khôn ngoan một xíu, bạn sẽ có ngay một buổi tối được ăn ngon trong vui vẻ, còn đối phương sẽ được học được bài học nhớ đời về sự gọn gàng và tôn trọng các nguyên tắc đã đề ra với một mức học phí rất “vừa phải”.
Quả là đôi bên cùng có lợi!

Một lần nữa, người nông dân thấy mình thiệt là thông minh khi áp dụng được ngón nghề Emotion Control và Negotiation của ngành Quản trị vào đời sống gia đình J

Chúc mọi người buổi tối nghỉ lễ vui vẻ!

Hoàng Huy

#LockedOut#BeASmartHubby#KeepCalmAndEatFull#NoNoise#SilentSolution