CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI. 

CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
Mấy hôm nay mạng xã hội đang ồn ào vì câu chuyện cô bé thủ khoa ngành sư phạm Ngữ Văn của Đại học Sư phạm Hanoi 2 đang ở nhà…………chăn lợn, và rồi lại………viết tâm thư thống thiết gửi Bí thư tỉnh ủy: “Mong chú sẽ cho cháu một con đường, một cơ hội để trở về, để được làm việc và để sống hết mình cho quê hương Hà Giang.”

Và như mọi khi, đám đông dư luận nhao nhao lên cho ngành giáo dục lĩnh đủ gạch đá; chỉ trích và đổ lỗi nhà nước- cáo buộc cơ chế bỏ lọt lãng phí người tài.

Bình tĩnh và chậm chạp hơn, tôi nhìn câu chuyện ở một góc khác, và nhìn thấy nhiều điều để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm hơn là đổ lỗi cho ngành giáo dục.

Bình thường tôi chẳng bao giờ ước tôi là một ông Bí thư tỉnh ủy đâu, nhưng hôm nay tôi lại muốn mình được ở vị trí đấy một ngày để tự tay viết cho bạn thủ khoa vài dòng:
“Cháu thân mến.
Con đường – cơ hội của cháu thì chỉ có thể do cháu tạo ra, chú không thể có để mà cho cháu được. Nếu không có cơ hội nào hết, cháu có vẫn sẵn lòng làm việc và sống hết mình cho quê hương Hà Giang không?”

Có lẽ cô gái ấy đang ngộ nhận về hai chữ “Thủ khoa” khi kể ra một loạt thành tích học tập trong quá khứ và nghĩ rằng thủ khoa là tấm vé hạng nhất để đi thẳng đến thành công. Một sự sai sai không hề nhẹ!

Thủ khoa hoàn toàn vẫn được quyền thất nghiệp như tất cả các hạng bằng cấp khác. Cái quyền cơ bản đó thực tế cuộc sống tuyệt nhiên không dám xâm phạm. Bởi lẽ không một trường Đại học nào trên thế giới này, kể cả Cambridge hay Havard tuyên bố rằng: tốt nghiệp thủ khoa trường chúng tôi, bạn sẽ không giờ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ bán cho người đang có việc làm mà mất việc, chứ không bán cho sinh viên bằng giỏi ra trường nhưng không xin được việc.

Và lần ngược dòng thông tin, tôi thấy rằng bạn nữ thủ khoa kia đã từng nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Chuyên Hà Giang năm 2016 nhưng sau đó từ chối dự thi vì……….không tự tin.

Vậy thực ra bạn ấy muốn gì nữa??? Tuyển thẳng hay một vị trí nào đó tốt hơn nữa mà chẳng cần thi tuyển gì hết???

Là một người yêu kính sự công bằng, tôi cực kỳ không thích cách người ta cứ hết cộng điểm ưu tiên khi thi đầu vào đến tuyển thẳng mấy bạn thủ khoa vào vị trí này vị trí khác lúc đầu ra. Vì thủ khoa – đơn giản là cái danh hiệu xác nhận là bạn có thành tích học tốt nhất trong một nhóm bạn trong một khóa học nhất định, nhóm ấy có thể là 10, 100 hay hơn nữa là vài ngàn bạn. Nhưng thành tích học tập tốt chưa chắc là thực học tốt, và còn xa mới có thể hiểu là đồng nghĩa với làm việc tốt, nhất là ở Việt Nam.

Hãy thi tuyển, hãy thử thách và hãy để thực tế công việc – người thầy khó tính nhưng khách quan nhất đánh giá. Nếu bạn giỏi, đừng lo ngại người khác không biết điều đó.

Biên chế nhà nước có thể khờ khạo, chứ doanh nghiệp tư nhân thì không đâu: tiền của họ, tương lai của chính họ, thì họ chẳng cần phải nể nang hay ưu ái ai cả. Một doanh nghiệp họ không phân chia nhân viên thành: loại thủ khoa – bằng Giỏi với loại bằng khá- trung bình; mà chỉ phân chia thành: nhân viên làm việc tốt và nhân viên làm việc chưa tốt.

Còn nếu để nói về marketing bản thân, với góc độ chuyên gia, tôi tin rằng bạn ấy đã chọn sai cách. Bản thân mỗi chúng ta là một món hàng trên thị trường lao động, tuy nhiên chọn PR bản thân sai cách thì sẽ còn lợi bất cập hại. Bạn nói bạn là Thủ khoa mà vẫn thất nghiệp, bước 1, họ sẽ hoài nghi ngay lập tức cái danh hiệu của bạn. Bước 2, họ sẽ đặt câu hỏi “Thủ khoa – tức là có một xuất phát điểm thuận lợi, mà còn thế này, còn than thở – còn tâm thư, thì khi công việc khó khăn, không thuận lợi, thì có cố gắng vượt qua không hay sẽ lại viết tâm thư xin nghỉ việc.”. Bước 3, họ sẽ kết luận một cách lịch sự và nhã nhặn rằng “Em rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc”. Một nguyên tắc để đời của marketing hiện đại đó là không để khách hàng mua hàng bằng một tâm lý chiếu cố.
Nếu một ứng viên bước vào phòng phỏng vấn và nói với tôi “Chào anh, em là Thủ khoa trường A đây ạ” tôi sẽ lịch sự mời em về luôn, vì cái tôi quan tâm nhất là tiềm năng cho thấy bạn sẽ làm được cái gì cho công ty tôi trong tương lai hơn là kể cho tôi bạn đã làm được gì trong quá khứ. Đó là lý do vì sao tôi thường chỉ xem bằng cấp của ứng viên sau cùng, vì 99% quan tâm của một nhà tuyển dụng là thái độ,tính cách, và mức độ phù hợp của ứng viên với công ty hơn là chuyện họ tốt nghiệp loại gì.

Từ nhỏ, tôi được bố mẹ giáo dục rằng “Nước mắt là chỉ để dành cho bố mẹ” (Chỉ được khóc khi bố mẹ lìa đời). Không bao giờ được dùng nước mắt để xin sự cảm thương, và dù hoàn cảnh có khốn khó đến đâu, đừng dễ dãi với bản thân để xin cuộc đời cái này cái khác. Đó là bài học đầu đời của tôi về lòng tự trọng. Nhưng các bạn trẻ bây giờ người ra dễ dãi để nói ra cái từ “Xin” quá, và có nhiều thể loại viết văn, nhưng không hiểu sao rất nhiều bạn lại chọn viết tâm thư như một lựa chọn giản đơn, như hiện thân văn học cho tâm lý “Tấm ngồi đợi Bụt” – điều mà tuyệt nhiên không nên xuất hiện ở tuổi trẻ.

Thảm đỏ là của người ta, người ta trải ra được thì người ta lấy lại được, chỉ có con đường mình đi bằng chính đôi chân của mình thì mới là còn mãi.
Điều đơn giản ấy, cô bé thủ khoa kia không hiểu, rất nhiều bạn trẻ không hiểu, và ngay cả những người quyền cao chức trọng sống hết cả đời người cũng chưa chắc đã hiểu.
Có những ông bố dùng mọi cách để trải thảm cho con mình được ngồi đúng cái ghế của mình, năm trước năm sau, nhân dân đòi lại. Con thì ngỡ ngàng, còn bố thì bẽ bàng, hai thế hệ truyền tay nhau chung một nỗi nhục.

Câu chuyện của bạn thủ khoa làm tôi nhớ lại chính mình của 2 năm trước khi đang học tập và làm việc ở London, tôi cũng có cùng một câu hỏi: Tôi cần điều gì để có thể “dũng cảm” mà trở về Việt Nam cống hiến khi đã sống ở nước ngoài quá lâu???
Cơ hội? – Tôi cũng có vài lời đề nghị việc làm hấp dẫn, người ta nói về vị trí này vị trí kia, mức lương này mức thưởng kia, toàn số đẹp cả, nhưng tôi chỉ có thể cười và cảm ơn. Nhưng có lẽ đó chưa phải điều tôi cần nhất tại thời điểm đó.
Và rồi, theo một cách không thể tình cờ hơn, tôi may mắn gặp được người sếp của mình bây giờ – một người chị lớn đúng nghĩa.
Chị không nói với tôi về những con số đẹp, và cũng chẳng có cái thảm đỏ nào hết. Chị nói với tôi những điều rất giản dị: về quê hương, về gia đình, và về câu chuyện của chị như một du học sinh thế hệ trước, đã đi để trở về và theo một cách chân thành nhất, truyền cho tôi một niềm tin rằng: Nếu thực sự có tài năng, ở gầm trời góc bể nào cũng có thể sống tốt và làm một người tử tế. Vậy tại sao không phải là trên chính quê hương mình? Hành trang trở về của tôi chính là niềm tin ấy.
Với niềm tin ấy, tôi tin tôi có thể vui vẻ làm bất kỳ công việc gì hợp pháp – lương thiện để sống hạnh phúc trên chính đất nước này, Việt Nam. Chăn lợn? Có thể lắm chứ! Tôi sẽ cố gắng trở thành một người chăn lợn giỏi nhất.

Tôi và bạn Hà thủ khoa có lẽ đều giống nhau ở một điểm, đều là những người yêu Văn và học Văn. Nhưng với tôi, bài văn lớn nhất chính là cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta phải viết nó cứ mỗi ngày một cách thật say mê và cẩn thận với tất cả lòng tự trọng và sự tử tế cần phải có trong mỗi người. Và đừng để bài văn ấy không hay ngay từ mở bài- khi chúng ta còn trẻ, khi những nhiệt huyết và khát khao hạnh phúc- thành công là cháy bỏng nhất.
Vậy nên, hãy cất tâm thư đi và dũng cảm bước xuống cuộc đời, dù rằng lắm gian nan và chông gai đấy, nhưng đó là con đường của riêng mình – một người tự do.

Hoàng Huy.