Câu chuyện quả núi của Bố và bài học về Phát triển.
Dạo này, trong những cuộc điện thoại về Vietnam nói chuyện với Bố, mình hay than vãn rằng: “Con thấy hình như gần đây con chẳng PHÁT TRIỂN gì cả? Cứ quanh quẩn, đi học –đi làm;trong khi bạn bè ở Vietnam có vẻ như đang đi lên, công việc tốt, thu nhập tốt,tương lai nhiều hứa hẹn. Con thấy hơi chán chán với chính mình.”
Và thế là mấy hôm trước, Bố có gửi cho mình tấm ảnh này qua Facebook; với mọi người có lẽ đây sẽ chỉ là một tấm hình bình thường nhưng với mình lại chứa đựng những thông điệp rất đặc biệt mà chỉ có lẽ chỉ có hai bố con hiểu với nhau.
Cả cuộc đời của bố mình là những chuỗi ngày bươn chải và lao động không ngừng nghỉ, từ thời trai trẻ trong chiến tranh làm lụng phụ giúp ông bà nuôi gia đình cho đến sau này ra nước ngoài và công tác. Thực sự, bố là một người ít ngơi nghỉ và ham thích sự đổi mới. Bố luôn tự đặt ra những mục tiêu PHẢI đạt được trong gia đình cho từng năm, và trước Tết sẽ nhìn lại xem năm qua chúng ta đã có những cái gì mới. Kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước mình thì thường là vạch ra rồi để đấy, kế hoạch của Bố thì khác : vạch ra là phải có, phải chắc chắn có.
Từ ngày nghỉ hưu và rút lui dần khỏi kinh doanh, công việc cũng bớt dần Bố trở về với vườn cây yêu thích. Bố kiên trì đưa những tảng đá to, hòn đá nhỏ lên, gắn ghép, vuốt nặn để hình thành lên những ngọn núi nhân tạo ngay trong vườn nhà, tạo nên những cảnh quan lạ mắt. Và quả núi bên trong bức ảnh chính là công trình năm nay của Bố, sự đổi mới trong không gian sống mà Bố đã dày công kiến tạo. Còn có cái mới là còn phát triển, năm nay Bố vẫn phát triển. Người ta thường nghĩ phát triển là gắn với con số, với doanh thu, với tài sản, nhưng Bố của mình thì đưa ra một định nghĩa phát triển trực quan và gần gũi hơn nhiều: Quả núi mới đắp.
Mình đã hỏi: “Sao Bố không làm gì khác, mà lại đi đắp núi?”Bố trả lời bố muốn để lại những kỷ niệm hữu hình sau này cho các con, quả núi thường được ví như hình ảnh người cha trong gia đình, ngay cả sau này khi bố không còn nữa thì những cái cây, quả núi này sẽ vẫn sống cùng với các con, nhìn thấy những quả núi này là vẫn như nhìn thấy bố. Hơn nữa những quả núi chứa đựng nhiều điều ý nghĩa mà theo thời gian sẽlàm cho các con hiểu. Và hôm nay thì mình đã hiểu.
Mình chợt nhớ lại những điều Bố vẫn nói trước đây khi hai bốcon đứng trước những quả núi Bố đã đắp lên.
Sự phát triển của con người cũng giống như sự phát triển của tạo hoá, một quả núi muốn vươn cao chạm trời mây thì cần có biết bao nhiêu năm tháng tích tụ đất đá, cần có biết bao như sự chuyển dịch cần thiết thì mới có một quả núi hiên ngang, sừng sững. Con người muốn thành đạt, muốn làm chủ được ước mơ của mình thì phải chịu khổ luyện, phải biết tích luỹ không ngừng và quan trọng là phải biết kiên trì mà chờ đợi cơ hội.
Thời cơ trong cuộc đời này cũng giống như mây trên đỉnh núi,núi muốn chạm được vào mây thì phải đủ cao, con người muốn chớp được cơ hội mà phát triển thì phải đủ Tầm. Và cái Tầm đấy thì cần phải qua năm tháng, học tập,và đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống thì mới có thể đạt được. Núi muốn vươn cao thì chân núi phải vững chãi, đó là vì sao những quả núi luôn có hình chóp nón.Người muốn tiến xa thì phải có nền tảng cơ bản: tài năng- đức độ- và bản lĩnh. Nếu không có chân núi thì sao có đỉnh núi.
Con người khi đã đạt đến đỉnh cao, đến vinh quang rồi, thì cũng giống như chinh phục được một ngọn núi. Nhưng hãy coi chừng, vì bên kia của đỉnh núi, thường là vực thẳm, nếu không cẩn thận là sẽ gục ngã, nhiều người không đầu hàng trong gian khó nhưng lại sụp đổ khi ở đỉnh cao; vậy nên càng phải học được cách dừng đúng lúc, học cách chấp nhận cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có. Hãy biết cho những tham vọng của bản thân nghỉ ngơi đúng lúc như lời Khổng Tử đã dạy.
“Biết đủ là đủ, chờ đủ đến khi nào được đủ.
Biết nhàn là nhàn, chờnhàn đến khi nào được nhàn”
Thật kỳ lạ là Bố hiếm khi hỏi xem mình kiếm được bao nhiêu tiền,đi chơi được những đâu nhưng Bố không bao giờ quên hỏi một điều trước khi kết thúc những cuộc nói chuyện. “Tuần này con có đọc thêm sách gì mới không, có học gì thêm ngoài trường lớp không???”. Hơn 150 tuần qua và hàng trăm cuộc điện thoại, không bao giờ thiếu câu hỏi ấy.
Theo Bố thì “Con sẽ chỉ thực sự không phát triển nếu như ngày hôm qua – ngày hôm nay – và ngày mai nữa đều na ná giống nhau, không có gì mới và không thu nhận được thêm điều gì. Sự dừng lại mới là kẻ thù của sự phát triển, còn sự tích luỹ-học hỏi qua thời gian chỉ là trạng thái tĩnh của phát triển.”
Cám ơn lời động viên – nhắc nhở sâu sắc của Bố. Con sẽ tiếp tụcđắp những quả núi của riêng con, sẽ kiên trì tích luỹ vươn cao để chạm đến những ước mơ của mình.