CHIA SẺ TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ LÀM GÌ?

“Động cơ của mình khi viết bài này là gì?”
Tôi luôn tự hỏi chính mình một cách rất nghiêm túc trước khi bắt đầu viết về bất cứ chủ đề gì trên Facebook, chứ không chỉ những điều bạn đang đọc.
Và hôm nay, tôi biết rất rõ động cơ của mình đó là muốn các bạn biết tới những suy nghĩ của cá nhân tôi về Share – về nút bấm quyền lực nhất trên mạng xã hội, và cũng là câu trả lời của tôi tới một số người không biết hoặc giả vờ không biết “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”
Tự do thông tin – tự do ngôn luận là trong những thiết chế quan trọng của một xã hội dân chủ và văn minh, và ở một dạng thức tối tân nhất của giao tiếp mạng, thì Like, Share, và Comment trên mạng xã hội chính là hiện thân dễ thấy nhất của một trong những quyền cơ bản nhất của con người – quyền bày tỏ ý kiến của bản thân. Thế nhưng ở một đất nước “dân chủ đến thế là cùng”, một đất nước sắp sửa có tháp truyền hình cao nhất thế giới, người ta vẫn còn đang quanh quẩn hỏi thăm nhau một điều tưởng như rất cơ bản “Chia sẻ (Share) để làm gì?” và cách người ta ứng xử không-thể-bất-lịch-sự hơn với một câu trả lời trái chiều làm chúng ta giật mình tự hỏi với một câu hỏi giản dị hơn nhiều “Rốt cuộc, biết nói để làm gì?”
Con người sinh ra phải biết nói như chim trời sinh ra phải biết bay, đó là bản năng. Tiếng nói của con người là thứ ngôn ngữ cao cấp và tinh vi nhất để thể hiện đủ mọi cung bậc cảm xúc của cuộc sống: từ sướng vui cho đến đau khổ, từ đồng tình cho đến phản đối, từ yêu quý cho tới tức giận- tiếng nói đều làm được hết. 7 tỷ người là 7 tỷ tiếng nói – 7 tỷ tâm tư, 7 tỷ thế giới cảm xúc-tâm hồn. Và chỉ có sự sẻ chia mới làm cho con người ta xích lại gần nhau. Thế nhưng bạn có thấy không, ở nước mình hình như sự sẻ chia, ngay cả theo nghĩa thuần khiết nhất, cũng đang bị rẻ rúm và ngờ vực hơn bao giờ hết.
Một anh Tây, thấy đống rác bẩn, xắn tay lên dọn để sẻ chia tinh thần bảo vệ môi trường, sẻ chia trách nhiệm giữ gìn cuộc sống tươi đẹp, họ hỏi “Xin phép chưa?”
Một anh kia, thấy lo lắng cho đồng bào và cả cho bản thân, gia đình đang sống liền kề bên bờ thảm hỏa diệt vong, chia sẻ một tiếng nói cảnh báo, họ hỏi “Động cơ gì?”
Thế đấy!
Đồng phục áo, đồng phục mũ, đồng phục thời trang……..rất nhiều nước có và phổ biến; tuy nhiên “đồng phục tư duy” là thứ đặc sản đáng sợ mà hình như chỉ ở Việt Nam mà một số ít quốc gia có được. Nói phải giống nhau, cười phải giống nhau, suy nghĩ phải giống nhau, và tất nhiên, có luôn cả những nỗi sợ hãi giống nhau. Nỗi sợ hãi sự khác biệt.
Share – một click chuột, một giây trong hàng tỷ giây của cuộc đời, dù nhỏ bé nhưng cũng là hành động thể hiện sự đồng tình cao độ của một cá nhân.
Chia sẻ để không đồng tình với cái sai, cái xấu, không chịu bó gối ngồi im trong sự bưng bít của một số kẻ đang hả hê áp đặt.
Chia sẻ để lan truyền đi những giá trị tốt đẹp, để nhen nhóm them những ánh lửa dù nhỏ bé trên con đường đi tìm SỰ THẬT.
Chia sẻ để phá vỡ đi sự im lặng hèn hạ mà những người đáng ra phải lên tiếng lại chọn lặng im.
Chúng ta không nên đặt hết niềm tin vào ai trong một xã hội ngày càng phức tạp, nhưng ta phải luôn tin vào chính mình, vào lý tưởng và hành động của mình. Mất niềm tin vào chính mình, là mất tất cả.
Nếu bạn đã tin rằng mình cần phải lên tiếng, mình cần phải Share, mình cần phải góp tiếng nói, hãy cứ tự tin làm điều đó một cách trọn vẹn nhất.
Vì động cơ và quyền lực của sự tử tế – sự thật sẽ luôn là những điều còn mãi.

Hoàng Huy.