CÓ NÊN BỊA CV ĐỂ ĐI XIN VIỆC KHÔNG????
(Bài này dành cho sinh viên các lớp SSG104 của toy)
“Không! Không! Và tuyệt đối Không!
Những gì quan trọng nhắc lại ba lần.”
Sinh viên thân mến, những người bạn nhỏ của tôi!
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, chúng ta đều nên đi…..đổ rác để sáng mai khi thức dậy, chúng ta đón một ngày tươi mới thật trong lành và sạch sẽ. Tương tự như vậy, khi mỗi ngày khép lại, ta lại càng nên thanh lọc tâm trí mình, cất giữ đi những gì tốt đẹp và loại bỏ đi những gì xấu độc trong biển thông tin mà dù vô tình hay chủ ý, ta đọc-nghe-xem mỗi ngày. Và “Bịch rác” của ngày hôm nay cần vứt bỏ là một đoạn clip trên Youtube của một cô nàng nào đó kể chuyện “Tôi đã bịa CV khi đi xin việc như thế nào?”.
Suốt 3 năm nay, trong giờ dạy của mình về nghệ thuật xây dựng CV và phỏng vấn tuyển dụng, tôi thường hay nói: “Khi bước vào phòng phỏng vấn, ngoài phong thái đĩnh đạc, tự tin, bạn hãy tấn công phủ đầu nhà tuyển dụng ngay cả khi họ chưa kịp đưa ra câu hỏi nào bằng cách: Hãy tặng quà cho họ!”
Quà gì đây?
Không phải hoa, không phải quà tặng vật chất, món quà đầu tiên mà chúng ta có thể tặng cho người sếp tương lai của mình chính là nụ cười. Và nụ cười đẹp nhất chỉ có thể là nụ cười của sự khiêm nhường và chính trực.
Một bản CV dù viết bằng ngôn ngữ gì, trình bày xấu đẹp như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò của một tờ giấy gói kẹo. Một tờ giấy lấp lánh gói lấy một viên chocolate thượng hạng, nó sẽ làm nâng giá trị của viên kẹo thêm đôi phần. Và điều tốt nhất và duy nhất chúng ta có thể làm, đó là học thực lực – làm thực tài – cống hiến thực tâm, để tự thân mình là một viên kẹo thơm ngon, hảo hạng nhất mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng thèm muốn bạn là một phần trong tổ chức của họ. Kể cả có dùng giấy gói mạ vàng để gói một viên sỏi, thì viên sỏi vẫn mãi mãi là viên sỏi, chứ không dễ gì lẫn lộn trong một đám chocolate khác.
Phỏng vấn bản chất là một cuộc thương lượng – mặc cả -mua bán khả năng lao động. Bạn có trí tuệ – thời gian – năng lực – kinh nghiệm và nếu xịn hơn, là cả tâm huyết; còn nhà tuyển dụng họ có tiền – có môi trường thuận lợi để bạn học hỏi và phát triển. Một sự trao đổi sòng phẳng và ngang giá, không có ai xin ai, và cũng không có ai cho ai, dù rằng trong tiếng Việt đã để lại một từ xem ra không còn phù hợp với thời đại “đi xin việc” hay “đơn xin việc”. Vậy với CV giả, bạn định bán hàng giả để lấy tiền thật sao???? Nếu bạn bị bại lộ và phát hiện, thì nguyên nhân thất bại không phải là kỹ năng hay chuyên môn của bạn, mà là vấn đề đạo đức, và, nghiêm trọng.
Mấy chàng trai trên mạng hẹn hò có thể lơ ngơ để bị lùa mất đôi ba trăm ngàn taxi nhưng các chủ doanh nghiệp thực thụ thì dù 1đ cũng không dễ lấy được của họ, bởi lẽ chẳng có ai ngờ nghệch mà có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh như biển cả hiện nay. Vậy nên, ta lại quay về với câu nói của người xưa “Khôn ngoan chẳng lại thật thà” hay “Một tay không che nổi bầu trời”.
Bạn bán gì cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn? Bán sức lao động ah hay thành tựu? Không, bạn đã làm
cho người ta ngày nào giờ nào đâu? Thành tựu của bạn chỉ là thì quá khứ, nó không ý nghĩa nhiều với ông chủ tương lai. Chính xác thì cái mà bạn bán là “tiềm năng cống hiến” cho công ty/tổ chức mà bạn đang ứng tuyển vào.
Và hơn 10 năm qua, như một nhà quản lý ở nhiều cấp độ, phỏng vấn hàng trăm ứng viên trong nước và nước ngoài cho đủ loại vị trí công việc, tôi đã luôn đề cao tiềm năng đạo đức cao hơn cả tiềm năng chuyên môn- kinh nghiệm. Sự trung thực -chân thành – cầu tiến – ham học hỏi- sẵn sàng chấp nhận thử thách sẽ làm điểm cộng đủ nặng để bù đắp cho tuổi trẻ – sự non nớt và thiếu kinh nghiệm. Không việc gì phải giả dối, không việc gì phải bán rẻ danh dự của mình, càng trẻ càng non càng cần phải có khí chất và tính chuyên nghiệp. Nói dối, là thứ thuốc phiện không màu. Dối gạt được đôi ba lần ta thấy mình thật ngầu bởi lẽ dối cha mẹ dễ được bỏ qua, dối thầy cô dễ được tha thứ nhưng rồi một ngày bạn nhận ra, dối chính cuộc đời mình là thứ tồi tệ nhất.
Vậy nên, lesson takeaway (bài học gói về) của Thầy cho các bạn vẫn như mọi khi: “Hữu xạ tự nhiên hương” – Chỉ cần ta âm thầm học tập, cố gắng mỗi ngày để bản thân mình là “xạ”, là chính mình, là sự vượt trội hay giá trị tự thân khác biệt thì chẳng cần lo, sớm muộn cũng sẽ có “hương” – sự thành công, tiếng thơm của một con người chính trực, thực tài mà xã hội nào cũng phải ghi nhận, một mùi hương của sự tử tế và thảnh thơi.
Luôn yêu quý các bạn, các “khách hàng” đặc biệt của tôi!
#NewDayNewLessons #ForMyStudents #Integrity #SSG104