ĐẠI HỌC……HAY HỌC……..ĐẠI???

Dù không phải một nhiếp ảnh gia, mình vẫn thường có thói quen đi tìm giữa dòng chảy thường ngày của cuộc sống những tượng đài đẹp đẽ và bình dị như một thói quen của kẻ thích săn tìm cái đẹp.

Và những ngày này 8 năm trước, ngày mà mình theo Bố đi thi đại học, ngày ấy mình đã nghĩ rằng có lẽ ở nước Nam này, một trong những hình ảnh đẹp nhất, lay động nhất là những ông bố bà mẹ mặc nắng kệ mưa đợi chờ con – những “của để dành” yêu thương bước vào một đấu trường lớn. Dù là một bác nông dân chân chất hay một công chức nơi thành phố, giây phút ấy họ đều giống nhau: chứa chan niềm tin nơi ánh mắt, tin về một tia hi vọng tươi sáng cho tương lai cho con em mình. Cả thế giới, có lẽ chỉ Việt Nam có những khung hình giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy……

Nhưng rồi càng học, càng đi xa, càng hoà mình giữa dòng đời cuộn sóng, mình lại thấy thương hơn những ông bố bà mẹ nơi cửa trường thi mỗi khi tháng 7 về. Liệu niềm tin yêu và hi vọng của họ có đi được đến đúng bến bờ mong đợi……

Bao lâu nay chúng ta đánh giá thế nào về kết quả giáo dục?
Một học sinh cấp 1 xuất sắc là được lên học ở cấp hai?
Một học sinh cấp 2 xuất sắc là phải được ngồi ở một trường cấp ba công lập?
Và học sinh cấp 3 thì không thể thành công nếu như không đỗ vào một trường đại học nào đó?
Và cứ thế, cứ thế……..
Lớp anh rồi đến lớp em….ai cũng bị cái gông mang tên Đại học tròng lên cổ như một nỗi ám ảnh định mệnh. Cả xã hội như mắc phải một cơn sốt phát ban, người ta mặc định Đại học như một con đường độc đạo để đi đến thành công, thành đạt. Không Đại học coi như bỏ đi, không đại học coi như tương lai mù mịt……vậy đấy, không phải một , hai người tin là vậy. Và rồi đến một ngày, người ta giật mình nhìn quanh không chỉ thế một anh cử nhân kinh tế đang ngồi bán sim điện thoại, một cô thạc sỹ Việt Nam học đi nộp hồ sơ học lại trung cấp để làm lễ tân, bằng tốt nghiệp đại học bị người ta gọi là “giấy chứng nhận thất nghiệp” một cách chua chát.

Do ai? Do ai? Do ai?

Do chính chúng ta, những người trẻ không dám và không dũng cảm đi một con đường khác, sợ bị ngã, sợ bị lạc, sợ bị gièm pha mà ùa theo một con đường chung đông nghẹt và chật ních bon chen. Nhiều người không cần quan tâm Đại học là gì, học gì mà cứ …học đại cho xong cái công thức ngớ ngẩn mà xã hội áp đặt mấy chục năm nay.

Do chính những ông bố bà mẹ vì quá khát khao những đứa con thành đạt mà đẩy bọn trẻ vào một vòng xoáy dữ dội mà chính họ cũng không hề biết rằng bên kia là Đời, là cạnh tranh, là sinh tồn mà chỉ có thực lực mới có thể tồn tại. Họ tôn thờ những tấm bằng như một thứ cứu cánh cho một cuộc sống ổn định…

Do chính cái xã hội mà bằng cấp đã thành thần hoá thánh, che phủ hết tầm nhìn từ người dân đến các nhà lãnh đạo. Không bằng cấp được mặc định hiểu như là thành phần vô dụng, dư thừa của xã hội. Và chính thế mà ở một nước cơ bản vẫn là nông nghiệp như Việt Nam mà có đến 60% các trường đại học có ngành tài chính-ngân hàng, chưa kể các hệ khác…và các đại học thì mọc lên còn nhanh hơn nấm sau mưa. Vây nên, cái nón của ngành giáo dục bị lật ngửa lên như cái nón của một người hành khất giữa một xã hội mà nhìn đầu cũng thấy cử nhân và các loại “sỹ” đang thất nghiệp.

Vậy đấy, cả xã hội đang mắc bệnh “Sỹ” mãn tính và cuồng “sỹ” nên cứ thế, hết lớp này đến lớp khác, từng người chúng ta bị rơi, bị dụ dỗ và thậm chí bị đẩy vào cái vòng điều chỉnh luẩn quẩn của xã hội mà quên mất rằng chính chúng ta mới là người điều chỉnh xã hội mà chúng ta đang sống.

Ở Phương Tây, “a gap year” – một năm trắng sau thời kỳ học phổ thông từ rất lâu đã trở thành một nét văn hoá, một công cụ thanh lọc và điều chỉnh tự nhiên của các xã hội văn minh. Rời nhà trường phổ thông, các em học sinh sẽ được quyền tự quyết đi du lịch bụi, đi làm thêm những công việc khác nhau trước khi quyết định xem việc học đại học liệu có thực sự cần thiết hay không. Họ có thể làm bất kỳ nghề gì chân chính để kiếm sống, một cô bồi bàn, một anh thợ sửa ống nước hay một chàng luật sư cũng đều được xã hội trân trọng ngang nhau như những ô màu đa sắc trong bức tranh chung của cả đất nước.

Còn ở ta, bằng cách lãng phí thời gian của bản thân mình, phải chăng chúng ta đang góp phần làm chậm hành trình của cả đất nước?

Mình chỉ muốn nhắc lại với các em học sinh đã quyết định thi và không thi kỳ thi đại học một câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincon “Không có nghề thấp hèn, chỉ có người thấp hèn.”.
Thế đấy, dù chúng ta chọn con đường nào thì cũng chỉ cần chắc chắn một điều duy nhất: đó là con đường thực sự ta muốn đi và sẽ đi hết sức mình. Còn đại học cũng sẽ chỉ là một điểm xuất phát tốt nếu đó thực sự là đại học, còn nếu là học đại…..thì đó sẽ chỉ là giây phút bắt đầu cho những ngày giông gió ở bên ngoài giảng đường mà thôi.

Vậy nên đại học hay không đại học, mỗi chúng ta đều cần sống với trách nhiệm cao nhất với tương lai của chính mình, biết thương củ sắn củ khoai và giọt mồ hôi của bố mẹ. Đừng học đại cho xong, làm đại cho qua, và sống đại cho hết kiếp.

Hoàng Huy.