“HÍT CÁI GÌ NHIỀU THÌ CHÓNG CHẾT ?”

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì hít khói thuốc nhiều thì chóng chết, Interpol lại cho rằng ma tuý mới đáng sợ; dân Hanoi thì lại quả quyết bụi mịn mới là thủ phạm đáng gờm. Còn theo mình, thì hít drama nhiều sẽ chóng chết nhất, “chết mòn” từ khi tưởng mình còn đang sống.

Drama, tên gọi quốc tế của một sản phẩm đời sống có từ xa xưa vài ngàn đời trước gắn liền với cuộc sống của loài người, dân ta gọi là “Thị Phi”. Ai cũng sợ, ai cũng né không thích dính vào, nhưng hít hà drama của thiên hạ, thì lại là một thứ khoái cảm dần dà gây nghiện nhiều người thích, như cái cách người ta thích xúm đen xúm đỏ vào xem bộ đội…….gỡ bom. Khúc này – từ chối hiểu!

Từ ngày có mạng xã hội, có livestream, có các Ziu Túp Bê tự phong….thì phong trào “Mày-có-biết-tao-là-ai-không?” ngày càng phát triển, drama vớ được một kênh phân phối siêu to khổng lồ lan đi với tốc độ hơn cả virus. Bây giờ người ta không hít lén lút, hít đơn lẻ nữa, mà có khi tổ chức những buổi hít hà quốc dân quy mô lên tới nửa triệu người cùng một lúc. Ở quy mô làng xã thì chuyện anh kia cặp với chị này, loser bóc phốt winner, các đại hội vạch mặt cấp cơ sở diễn ra khá thường xuyên chỉ cần dăm ba câu chữ hoặc tốn tí pin điện thoại, tí 4G, là hoá thánh hết cả.

Vì sao thế nhỉ? Có lẽ mạng xã hội làm con người thấy mình to như cái bóng trên tường – ta được to hơn ta tưởng, một loại ảo giác khác nào thuốc phiện: Được phán xét, được bình phẩm, tệ hơn, được thoá mạ người khác thoả thuê mà ít chịu sự ràng buộc nào cả trong một xã hội còn nhiều điều đang cần hoàn chỉnh.

Điểm đáng sợ nhất của người Việt Nam khi tranh luận là thay vì mổ xẻ vấn đề, quan điểm của nhau để phân định trắng – đen, đúng- sai thì lại thường sa đà vào mổ xẻ…nhau, và ranh giới giữa tranh luận và công kích cá nhân mong manh như một sợi chỉ nhỏ.

Từ nhỏ, Bố mình cho học một môn khá kỳ cục so với tuổi thiếu niên, học Luật, nên bây giờ giật mình nhìn lại và tự hỏi: không biết có bao nhiêu người trong cộng đồng ưa thích Drama thực sự hiểu được tinh thần “Thượng tôn pháp luật”? Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, muốn buộc tội ai, lên án ai, trước hết, thì dù là công an – công tố – hay toà án thì đều cần có bằng chứng xác thực, và trước khi ai đó bị kết tội, họ đều vô tội, có mọi quyền bào chữa, và cả quyền im lặng. Mà có vẻ trên mạng xã hội, quan toà không-cần-búa nhiều quá! Dùng búa miệng, dùng lời lẽ cay nghiệt, hình như dễ hơn dùng búa lý lẽ.

Người ta làm giả được nhiều thứ, bị bắt nhiều, bị xử phạt cũng nhiều, nhưng thứ làm giả tinh vi và nguy hiểm nhất thì lại tràn lan khắp chốn: Đạo đức.

Ở góc nhìn tôn giáo, không vị Chúa hay Thánh nào khuyến khích tín đồ mình lại gần những thị phi hay nuôi dưỡng thù hận.
Kinh Lạy Cha của người Kito hữu có nói “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì luôn căn dặn chúng sinh: Để chữa trị Tham thì tuyệt nhiên không thể dùng Sân, dùng Si được. Gần đây hơn thì sư ông Làng Mai – Thiền Sư Nhất Hạnh nhắn gửi: “Giận như hòn than đỏ lửa, trước khi chúng ta muốn cầm nó lên ném vào người khác, ta đã lại làm đau chính mình mất rồi”. Thế đấy, drama hay thị phi, chính là hiện thân của những sân hận chất chồng cản lối chúng ta sống một cuộc đời thanh thản.

Drama không làm chết người, mà làm chết đi những suy nghĩ thiện lành, những điều tích cực mà chúng ta cần có để làm một người tử tế. Và một cuộc sống đầy hận thù – trách móc – phỉ báng nhau có thực sự là đời sống chúng ta hằng mong muốn? Hãy né Drama và tin tưởng vào Karma, trời đất lớn tuổi rồi, có tí chậm trễ nhưng lại luôn tuyệt đối công bằng.

Cuộc sống mà, tránh sao khỏi những xung đột, mâu thuẫn, khác biệt; né thế nào được, nhưng bạn thân của tôi ơi, chúng ta luôn được quyền lựa chọn ứng xử văn minh để cùng chung tay dàn xếp những bất đồng; được-mất ấy. Dễ thôi mà, nếu nghĩ rộng mà thương lấy nhau.

Mong lắm một ngày, chúng mình ngừng cãi nhau….

Hoàng Huy

#SayNoToDrama #BelieveInKarma #Mindfulness #Peacefulness