“KHỞI ĐẦU MỘT NĂM MỚI, KHÔNG CÓ GÌ TỐT LÀNH HƠN MỘT CUỐN SÁCH HAY.”
Cuốn sách khởi đầu cho 2021 của mình là “Bài giảng cuối cùng” – The Last Lecture – dù đã mua từ lâu theo lời gợi ý của một người chị thương mến nhưng chưa đọc tới, vẫn nằm trong queueing reading list. Và tình cờ hôm trước thấy được anh Vu Quang Minh review rất tốt, mình đã chọn đây là cuốn sách đầu tiên trong 52 cuốn sách sẽ đọc trong 2021, và để bình luận ngắn gọn về The Last Lecture, tốt nhất là nên dùng từ “Xuất Sắc!”.
Phớt lờ lời cảnh báo là “sẽ không thể đặt xuống được”, mình đã dành trọn vẹn cả ngày đầu tiên của 2021 để nghiền ngẫm hết 61 lời khuyên của Randy trong 300 trang sách và thậm chí còn xem đi xem lại vài lần The Last Lecture của ông với 20 triệu view trên kênh Youtube của trường Carnergie Mellon để thấy bài giảng này có sức lay động biết nhường nào.
Là một nhà khoa học máy tính, một giảng viên, nhưng cũng là một bệnh nhân Ung thư giai đoạn cuối 46 tuổi chờ chuyến xe của Thần Chết tới đón trong vài tháng nữa, Randy Pausch đã để lại một bài giảng cuối cùng “Chạm tay vào giấc mơ tuổi thơ” (Really achieving your childhood dreams) trước là cho sinh viên, bạn bè, đồng nghiệp, sau là cho Logan, Dylan và Chloe – ba đứa con thơ của ông, lần lượt 5 – 3 và 18 tháng tuổi, với những đúc kết từ cuộc đời một người cha biết rằng sẽ không đi được cùng các con cho đến lúc trưởng thành.
Không phải là một diễn giả dạng self-help mỳ ăn liền hay chuyên gia dạy làm giàu ba xu đầy rẫy trên Facebook, không có những sự vật vã, tiếc nuối cuộc sống thường gặp ở những người sắp qua đời, cũng không phải là một người nổi tiếng tầm cỡ để phán ra những lời kinh điển to tát, Randy mang đến những câu chuyện rất đời thường, rất giản dị từ chính hành trình chạm vào những ước mơ tuổi thơ của ông và chắp cánh ước mơ cho những người khác, và bằng cách ấy tìm thấy một cuộc đời ý nghĩa, đáng sống và giá trị trong từng phút giây.
“Chúng ta không thể đổi những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.” và cách Randy đã xuất sắc chơi những quân bài của cuộc đời mình cho đến phút cuối cùng; quan trọng không phải là chuyện thắng hay thua, mà là bạn đã chơi hết mình.
Sự tương đồng trong câu chuyện của Randy làm mình nhớ nhiều tới Mẹ, một thầy thuốc, cũng 46 tuổi và cũng đã phải chờ chuyến xe tử thần của ung thư tới đón hơn 20 năm trước. Và Mẹ, với tất cả tình yêu vô tận dành cho đứa con mà bà biết sẽ không thể nhìn thấy khôn lớn, Mẹ đã nói rất nhiều – dạy rất nhiều cho tới hơi thở cuối cùng. Với những người lạc quan như Randy và Mẹ mình, một cái chết được báo trước đã không còn đáng sợ mà được biến ngay thành một cơ may, để quyết liệt sống, không phải cho bản thân, mà cho những người ở lại; bằng cách ấy họ sẽ sống đời đời trong ký ức và hơi thở của những người thương yêu.
Sống như thể ngày mai sẽ chết – luôn luôn là một cách thiêng liêng nhưng thiết thực để chúng ta tôn trọng cuộc sống, ngay ở đây và ngay lúc này; giống như nếu không có màu đen ta đâu biết thế nào là màu trắng, và nếu không có những ngày nắng ta đâu hiểu giá trị của những chiều mưa.
“Bài giảng cuối cùng” nhưng lại là lần đầu tiên những thông điệp cuộc sống được thể hiện chân thực – giản đơn – dễ hiểu và quan trọng nhất, dễ áp dụng đến vậy.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa này tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, những người đã- đang và sẽ gặp phải những ngã ba, ngã tư trong cuộc đời….Hãy đọc nó, suy ngẫm về nó, không phải để bạn sẽ đi theo đúng một con đường nào đó đã định sẵn, mà để bạn sẽ sớm tìm được đến đúng con đường mà bạn muốn nhất; con đường ấy, biết đâu lại bắt đầu từ chính những ước mơ của tuổi thơ – thứ mà lâu rồi có khi ta đã quên mất. Và các bậc làm cha làm mẹ thì càng nên đọc The Last Lecture để hiểu dấu ấn giáo dục của mình có thể tác động vô hình nhưng bền bỉ tới tương lai con trẻ như thế nào.
Một lần nữa xin cảm ơn chị Canh Nguyen và anh Vũ Quang Minh đã giới thiệu và review cuốn sách tuyệt vời này cho em, và cách cảm ơn thiết thực nhất là em đã thực hiện: tiếp tục giới thiệu nó tới những người xung quanh, bằng cách ấy, chúng ta cùng chắp cánh ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp hơn, nhân văn hơn cho tất cả trong một ngày đầu năm mới tốt lành.