“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ….CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC. PHẦN 2: CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH
Ba ngày sau khi đến London, đợi cho hết Jet-lag, và tìm hiểu được cách đi lại di chuyển bằng phương tiện công cộng, tôi quyết định đi tìm cái gì đó để làm tranh thủ thời gian còn chưa vào học chính thức. Thực ra với một vốn ngôn ngữ tốt và sự bạo dạn sẵn có – dễ thích nghi với cái mới, tôi chẳng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm gì mấy, từ Vietnam sang London thì cũng chỉ giống như từ Hải Phòng lên Hanoi. Đấy là tôi, còn các bạn khác, tôi không biết.
Với một kinh nghiệm đi làm thêm từ rất rất sớm, dù đúng là không phải con nhà khó khăn, tôi thấy cái sự đi làm thêm là hết sức thú vị. Nó giúp tuổi trẻ được tận hưởng sự thô ráp của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, chuyện bạn có “chịu nổi nhiệt” khi đi làm ở trời Tây không thì lại là khác. Tiền đúng là dễ kiếm, đấy là với người khác; còn bạn có kiếm nổi hay không, thì cũng lại là chuyện khác.
Ở Anh, sẽ có hai sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế như Việt Nam. Một, làm cho Tây, mức lương tối thiểu, 20 tiếng/tuần, lương tối thiểu 6 bảng/giờ, tổng cộng kiếm được khoảng 120 bảng và phải đóng thuế, bù lại bạn được pháp luật bảo vệ. 120 bảng là chỉ đủ đi xe bus 1 tuần và đi TESCO mua đồ về tự nấu ăn thôi. Tiền nhà, tiền sách vở, tiền ăn chơi nhảy múa, tiền ăn hàng và vân vân mây mây các loại tiền lặt vặt khác là không đủ đâu. Hai là, làm cho người Việt, muốn làm bao nhiêu thì làm, lương thấp hơn nhiều, tuy nhiên chẳng ai bảo vệ nổi bạn vì chính bạn cũng đang làm sai luật. Tất nhiên là tôi, như đại đa số sinh viên Việt Nam, đã chọn cách kiếm nhiều tiền hơn: làm cho một nhà hàng Việt Nam đông nhất nhì khu Kingsland người Việt ở London.
Lúc đó tôi gầy nhẳng chứ chẳng to lớn như bây giờ; trong khi cái nhà hàng mấy chục bàn đông nườm nượp khách còn hơn cả cái chuỗi Rạn Biển ở Saigon mà một ca chỉ có vỏn vẹn 5 người làm. Mỗi đứa phục vụ cả hai chục cái bàn khách. Mỗi bàn lại cả chục món ăn khác nhau. Một buổi tối một bàn lại có cả vài ba lượt khách. Bạn order nhầm một món thôi thì coi như tối đó bạn đi làm không công luôn. Rồi thì rửa bát, những chồng bát dĩa cao ngang đầu người ùn ùn tràn vào đến mức tôi có buồn đi vệ sinh thì cũng ráng mà đứng đó, vì đi xong quay lại thì không thể nào làm cho kịp. Tay tôi có khi còn trắng hơn Ngọc Trinh vì tối nào cũng được ngâm nước. Bạn phải rửa nhanh hơn máy, vì nếu chậm hơn và không sạch bằng máy thì người ta mua máy cho rồi.
Một môi trường cực kì hỗn loạn, tiếng bước chân chạy, tiếng cười nói, tiếng chửi thề của nhà bếp, tiếng quát tháo, hò hét của bà chủ……nhưng công việc vẫn buộc phải trôi chảy, vì nếu bạn chỉ cần tỏ ra một nét mệt mỏi hay phản ứng, luôn có sẵn vài chục số điện thoại chờ sẵn ngoài kia để thế chân bạn. Tôi nghĩ cái nhà hàng này mà có thuê Robot thì nó cũng lăn vật ra chập điện mà chết. Quả thực là trong vòng có một tuần, những ông anh to lớn gấp đôi tôi xin cùng vào làm đã biến mất sạch sẽ sau tuần lương đầu tiên. Tôi hiểu họ đã đầu hàng, đã gọi điện về nhà cầu cứu hoặc an phận lên thư viện học đợi tiền nhà gửi sang. Tuy nhiên, Robot có thể chết, nhưng tôi thì không, tôi cần phải sống. Trừ khi tôi muốn chết, ngoài ra tôi không chịu để bất kỳ cái hoàn cảnh nào giết tôi cả.
Học ở trường từ 8h đến 5h chiều. Bay như một cơn gió khỏi giảng đường để có mặt ở chỗ làm lúc 5h30, và cày dập mặt đến 11h30. Có những lúc mệt đến mức độ mắt nhìn thấy đầy trăng và sao giữa ban ngày luôn, tôi đành vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ 05 phút để kiểm tra xem chân nó còn nằm ở dưới đầu gối không rồi chiến tiếp. Tôi chấp tất cả các thể loại vất vả, gian khổ nhưng tôi không thể sống chung với sự bất công.
Thực tế là người ta sẽ trả lương cho bạn từ 5h30 đến 11h30 tối, nhưng thỉnh thoảng nếu 11h29 khách vẫn vào và họ ngồi đến 2h sáng thì yên tâm là bạn cứ việc ngồi chờ đợi đến mòn mỏi mà không được thêm một xu nào từ chủ. Đấy là lý do vì sao bây giờ tôi không bao giờ đi ăn vào cái giờ người ta sắp đóng cửa, tôi nhìn thấy bóng hình của chính mình ngày xưa trong những bạn phục vụ, tiền có thể mua được một bữa ăn, nhưng chưa chắc mua được sự cảm thông cho đồng loại.
2h sáng, đóng cửa lau dọn xong, trời thì mưa tuyết, hết tàu điện ngầm, hết xe buýt, vừa lạnh vừa vắng, tôi vừa đi vừa khóc, vừa phải hát thật to cho đỡ sợ trên con đường đi bộ về nhà. 4h sáng về đến nhà, xúc một chậu tuyết hoặc một chậu nước đá, cắm cái mặt vào đó cho tỉnh ngủ rồi học bài cho ngày hôm sau. Và vì có rất ít thời gian để học nên tôi buộc phải suy nghĩ cách học thế nào tốn ít thời gian nhất mà hiệu quả, bởi nếu không sẽ bị tụt lại ngay lập tức trên lớp. Sách coursebook các loại thì dày như đại từ điển. Đại học của nước ngoài ngược hoàn toàn với Việt Nam: vào thì dễ nhưng ra cực khó; chứ không phải bạn đóng một đống tiền thì bạn auto có bằng đâu. Ở Anh, thời gian học nhìn thì có vẻ ngắn hơn nhưng thực ra là họ nén cường độ học tập lại rất cao. Học một năm ở Anh áp lực còn hơn bốn năm ở Việt Nam, có khi hơn. Ngủ được vài tiếng, 8h sáng dậy đi học, ngồi trên tàu ngủ bù, tàu cứ giật giật 3-4 cái thì tôi hiểu là đã đến ga cần chuyển tàu, mở mắt lao ngay vào dòng người hối hả. Đó là lý do vì sao bây giờ tôi thường bị phàn nàn là đi bộ quá nhanh so với người khác.
Chưa kể đến chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở chỗ làm. Tôi nhớ tôi không biết đã phải ấn đầu bao nhiêu đứa làm trước vào cái thùng rác trong hẻm đằng sau nhà bếp và trang điểm gấu trúc cho bao nhiêu thằng để chúng nó hiểu là không phải ai cũng chấp nhận im lặng để bị bắt nạt vô cớ. Tôi luôn cố gắng để sống tử tế và không bắt nạt ai, nhưng nếu ai thích gây chuyện; tôi sẽ cho họ phải hối hận không kịp.
Nhưng tôi thấy không ổn, tình trạng này dài lâu tôi sẽ kiệt sức và thành Liệt sỹ trước khi trở thành Thạc sỹ hay cái gì gì đó. Tôi chuyển chỗ làm đến những nơi dễ thở hơn, chấp nhận đi làm xa hơn. Nhưng áp lực học ngày một gia tăng, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành các projects một cách có chất lượng. Học teamwork với bọn nước ngoài, bạn được phân công phần việc mà không làm cho xong, chúng nó sẽ cười vào mặt bạn thậm chí tẩy chay; và ở môi trường quốc tế, thì hãy hiểu là nó cười vào dân tộc – đất nước của bạn. Với cả, 6 tháng liền kể từ ngày đặt chân đến nước Anh, tôi chẳng nhìn thấy cái Big Ben ở đâu cả dù nó cách chỗ tôi làm 5 trạm xe bus; và tôi chết thèm chết khát một ngày được nghỉ, được ngủ mà không phải cài báo thức. Để giải quyết bài toán đó, tôi quyết định chấp nhận làm cái công việc mà mình ghét nhất: đi làm nails. Vì chỉ cần làm 3 ngày/ tuần là đủ sống khoẻ và có thời gian học hành tử tế, và tận hưởng cuộc sống xung quanh.
Muốn làm được thì buộc phải bỏ tiền ra học. Nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi cũng kiếm được một chỗ tử tế để học. Học mấy tháng cũng làm được, nhưng chỉ ở mức hết sức bình thường. Tôi cũng chẳng cần biến nó thành một nghề chuyên nghiệp, tôi chỉ cần sống sót qua giai đoạn học hành áp lực này rồi kiếm việc gì đó thú vị hơn để làm. Không nhớ là để cầm được cái bằng trên tay thì tôi đã phải làm mấy ngàn bộ bàn tay, bàn chân của đủ loại khách hàng, đủ màu da quốc tịch. Tôi thực sự không thích công việc đó, tôi thề là tôi không thích, và đến khi nhận được thứ mình muốn, tôi đã đáp hết đồ nghề xuống sông Thames và thề không bao giờ làm nữa. Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã học được một câu tiếng Anh ý nghĩa nhất: “We do what we have to do”
Sau đó thì tôi kiếm được một công việc khá hay ho là viết bài thuê cho bọn lười học. Nhờ thế mà tôi vô tình được học thêm bao nhiêu chuyên ngành không phải chính của mình và kiếm khá tiền vì muốn viết bài cho bọn chúng là mình phải đọc sách thì mới hiểu mà viết. Những năm sau này, thông thạo cuộc sống hơn, tôi cũng kiếm được nhiều trò để kiếm tiền hơn; làm vài công việc văn phòng cho Tây, biết mua cái gì siêu rẻ ở Vietnam để mang qua UK bán siêu đắt, lời vài chục lần; biết Vietnam cần cái gì ở UK, và chỉ những người hiểu UK như lòng bàn tay thì mới biết mua ở đâu để gửi về Vietnam bán, bán chỗ nào lời nhiều nhất; thậm chí còn vươn tay về mở business ở Vietnam. Và sau đấy, trong một mùa hè đẹp trời, tôi chuyển sang làm local guide tiếng Việt cho các hãng du lịch của Anh; đây là công việc tôi thích vì nó thoả niềm đam mê đi lại khám phá và sử dụng đến vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá, lịch sử về nước Anh của tôi tích luỹ cả chục năm; và đặc biệt là kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Một ngày đi làm guide cho hãng lương bằng cả tuần đi làm các công việc khác full-time. Mùa hè được nghỉ học đồng thời cũng là cao điểm du lịch; đắt show còn hơn ca sỹ vì cả nước Anh chỉ có vài người Việt làm được việc này một cách có uy tín. Tôi có thể một tháng vào lâu đài Windsor một tháng vài lần và kể sự tích về từng viên gạch, từng món đồ trong đó; có đủ vốn để mê hoặc mọi du khách về nền văn hoá lịch sử đầy màu sắc của Anh Quốc. Tuy vậy, không để hết trứng vào một giỏ, tôi vẫn có một công việc chính là làm quản lý cho một nhà hàng Việt Nam có tiếng ở London và tại đó tôi được tha hồ thực hành mọi kiến thức về quản trị và marketing hiện đại mà mình đã học. Tuy nhiên, đừng nghĩ quản lý là giống ở Việt Nam, đứng chỉ tay năm ngón và thu tiền. Bạn sẽ cần biết làm tốt mọi công việc trong chuỗi dịch vụ: thiếu người rửa bát bay vào rửa bát, thiếu người nướng thịt bay vào nướng thịt, thiếu người bartender bay vào pha nước, thiếu người dọn vệ sinh thì bay vào thông cống…..; không biết làm hết thì quản lý nổi ai. Tôi đã lăn lê bò toài bầm dập qua bảy cái nhà hàng để tự tin làm tốt những việc đó, mồ hôi và nước mắt không dễ gì đo được.
Nhưng làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tự răn mình: Mình sang đây nhiệm vụ hàng đầu là để học; kiếm được gì thì kiếm, trải nghiệm gì thì trải nghiệm, nhưng học cho có thực chất vẫn là quan trọng nhất. Đừng bao giờ để tiền cám dỗ bạn ra khỏi đường băng của cuộc đời.
Nói tóm lại, khi bạn đã định đi du học thì hơn bao giờ hết hãy trung thực với chính mình, chính tương lai của mình. Và phải trả lời dứt khoát: bạn muốn học để có bằng cấp cống hiến nhiều hơn cho xã hội hay đơn giản là đi xuất khẩu lao động núp bóng dưới hình thức du học để kiếm tiền? Bạn muốn trở về hay bạn muốn nhập cư? Và quan trọng, bạn có đủ bản lĩnh để đi xuyên qua tất cả những điều tương tự như câu chuyện bên trên của tôi không, tất nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ? Không dễ chịu lắm đâu!
Các ông bố bà mẹ có tin là con mình sẽ đủ sức chống chọi ở một nơi bốn bề xa lạ mà không có tiền, hoặc rất ít tiền không? Nếu con bạn là củi, ném vào lửa, chúng sẽ thành than hoa hồng rực; còn nếu là lá, chúng sẽ thành tro bụi. Tất cả những câu hỏi đấy phải được trả lời với tất cả lý trí và sự tỉnh táo của chính bạn, chứ không phải bố mẹ bạn.
Các ông bố bà mẹ nếu mà nhận được chút tiền con cái gửi từ nước ngoài về thì khoan vội mừng, khoan vội khoe làng khoe xóm…..chậm lại một chút, sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi mặn chát, mùi tủi cực, và cả mùi của những giọt nước mắt đã bị nuốt vào trong của những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Tôi, cũng như hàng ngàn đứa con Vietnam khác xa nhà, đã luôn chỉ nói “Con ổn. Con tự lo được” vì không một ai muốn bố mẹ mình phải lo lắng, thương xót và rất nhiều chuyện, rất nhiều điều sẽ mãi mãi nằm ở bên kia biên giới như những kỷ niệm của những ngày thanh xuân đã qua. Câu chuyện của tôi, chưa bao giờ được kể với gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ; tôi tự hào vì nó, những tháng ngày tôi hay nói là cực khổ nhất đời nhưng cũng là giá trị nhất đời. Nhưng có sao đâu, tôi tự chọn thế, và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình; để thắng được chính mình, để bay và tiếp đất trên chính đôi cánh của mình chứ chưa một lần phải “bung dù”. Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn chọn như thế, chẳng sao cả, vui mà.
Gian khó, cám dỗ, áp lực, và cô đơn, là tất cả những người bạn đồng hành sẽ đợi bạn trên con đường du học, nhất là khi bạn có ít tiền. Bạn có dám mơ ước mơ của đời mình không? Cứ mơ đi, tuy nhiên, đừng bao giờ mạo hiểm một cách vô căn cứ, hãy mơ trong sự tính toán và tỉnh táo để không phải ân hận vì quyết định của mình; bằng cách ấy Du học sẽ thực sự là một cuộc vạn lý trường chinh để đời của tuổi trẻ.
Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư https://www.facebook.com/1124978548/posts/10215100857691230?sfns=mo