QUÂN TỬ
Mình từ bé đến lớn rất thích xem thi đấu quyền anh (boxing) dù mình chưa bao giờ là người ưa bạo lực. Môn thể thao Tây phương này quả thật chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn đậm nét Á Đông hơn là chuyện hai con người lao vào nhau đấm đá dữ dội, đặc biệt hơn cả là bài học về tinh thần quân tử.
Xem quyền anh cốt để hiểu: Thật ra trên đời, thế nào là sức mạnh?
Sức mạnh hoá ra không nằm ở những cú đấm như vũ bão kia mà sức mạnh nằm trong cái chìa tay nâng dậy đầy hoà khí dành cho đối thủ đã ngã. Đó là sức mạnh của lòng Nhân – phẩm chất hàng đầu trong Ngũ Thường: Nhân- Lễ- Nghĩa-Trí- Tín mà người quân tử luôn cần phải có. Đó là cái mầm thương yêu tươi đẹp nở giữa một trong thứ xấu xí nhất trong thế giới loài người: bạo lực.
Sức mạnh hoá ra không nằm ở tốc độ ra đòn mà nằm ở sự kiềm chế bản thân, dập tắt kịp thời sự giận dữ của bản ngã, dừng tay ngay khi đối thủ đã ngã, không vì quán tính phản đòn mà đánh đến cùng trả đũa khi đối thủ đã giơ găng xin hàng. Đó là sức mạnh của chữ Tín: lời nói nhất quán với việc làm, tuân thủ luật chơi chung.
Sức mạnh hoá ra không nằm ở thân thủ linh hoạt mà nằm ở sự buông bỏ hận thù sau khi trận đấu kết thúc, không mang theo sự tức tối, cay cú ra khỏi sàn đấu. Hết là hết. Sức mạnh không phải là khả năng đánh bại kẻ khác, sức mạnh là để mình không tự đánh bại chính mình bằng những sân si hèn kém.
Được nuôi dưỡng cả ngàn năm trong tinh thần Nho giáo, chùa chiền ba miền đều có khắp nơi, nhang khói chưa bao giờ hết nghi ngút và luôn tự hào về tinh thần thượng võ của dân tộc, thế nhưng không ít người Việt vẫn không thấm nhuần được cả tinh thần quân tử lẫn lòng từ bi hỉ xả của nhà Phật, họ vẫn khư khư đeo găng dù đã thắng cuộc và nặng lòng sân hận dù trọng tài lịch sử đã tuyên bố trận đấu đã kết thúc.
Thiết nghĩ làm một người quân tử muôn đời là khó, phải biết tu thân luyện mình không ngừng nghỉ, thì phấn đấu để trở thành một quốc gia – một dân tộc có tính thần “quân tử” còn khó hơn bội phần. Khó nhưng vẫn phải làm nếu muốn “trị quốc” “bình thiên hạ” và ngẩng mặt đứng hiên ngang giữa lòng thế giới.
Chiến tranh khác với quyền anh là để lại những vết thương không bao giờ liền sẹo, mà chỉ có thời gian và tinh thần bao dung, ứng xử quân tử mới có thể làm nguôi ngoai đi phần nào. Thể chế và tư tưởng luôn là số nhiều, nhưng quê hương và dân tộc thì mỗi người luôn chỉ được chọn một mà thôi. Khi mà mọi thứ chủ nghĩa trên thế giới này đều đã còm cõi về hưu, thì vẫn luôn chỉ còn chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước thuần khiết cần mẫn làm việc.
Hãy buông đi hỡi cả hai cánh tay đều đã bị thương và mỏi mệt, để…….”Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người” – một ước mơ chưa bao giờ trọn vẹn