SAIGON 120 NGÀY QUA.

Chỉ còn vài giờ nữa, Saigon sẽ bước ra khỏi phòng ICU sau 120 ngày nguy kịch để tập thở những nhịp thở đầu tiên của cuộc sống bình thường mới, Giãn cách – chốt chặn – giới nghiêm….từ ngày mai sẽ không còn nữa. Nhiều người sướng vui mong chờ, mình cũng thế, nhưng mong chờ trong nhiều kỷ niệm và suy nghĩ.

6 năm sống ở Saigon, nhưng chưa bao giờ mình đi nhiều – hiểu nhiều – và thương Saigon nhiều như 120 ngày vừa qua – những tháng ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong cuộc đời một đứa sinh ra sau chiến tranh như mình tận mắt chứng kiến những mất mát, thương đau nhiều đến thế, gần đến thế. Và cũng lần đầu tiên mình cảm niệm sâu sắc được rằng chừng nào còn tình yêu thương chừng đó cuộc sống sẽ không bao giờ lụi tắt. Và gì chứ, thứ đó ở Saigon luôn rất nhiều.

Càng đi mình càng thấy Saigon mà không giàu mới là chuyện lạ, không phải vì vị trí địa lý hay tài nguyên, là vì sự hào phòng – rộng lượng vốn có, mà mình hay gọi là khí chất của người Saigon. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khí chất ấy không mất đi mà còn bừng lên mạnh mẽ. Thành phố không ngủ phút chốc đã biến thành thành phố 0đ, Bữa ăn 0đ, cấp cứu 0đ, bánh mỳ 0đ, oxy 0đ…; và không phải chỉ mùa dịch mới thế mà cả ngày thường, Saigon vẫn vậy, lặng lẽ không đồng, lặng lẽ cho đi những thùng trà đá, những ổ bánh mỳ. Tinh thần hào phóng, rộng lượng có lẽ là nét đẹp nổi bật nhất của miền đất phương Nam này. Người dư dả sẵn sàng cho đi đã đành, mà ngay cả những người khốn khó vẫn vui lòng nhường nhau hộp cơm, chai nước không hề nghĩ suy hay toan tính. Cái sự cho đi ở Saigon nó nhẹ nhàng đến lạ như thể hơi thở mấy trăm năm nay của thành phố này, vẫn đều đều như thế.

Học kỳ Covid không đến một cách vô nghĩa, nó đến để dạy chúng ta biết bao điều: hãy biết trân trọng những gì giản đơn gần gũi nhất, từ nâng niu từng nhịp thở đến năng trò chuyện, chăm sóc mẹ cha mỗi ngày; hãy chậm lại một chút để trở về với những giá trị cơ bản và tự hỏi lại chính mình thật nhẹ nhàng “Bây giờ đã hiểu thế nào là Hạnh Phúc chưa?” và “Có cần nhiều lắm không để được Hạnh Phúc”. Với mình, 120 ngày qua – ở Saigon là quá đủ để vun đắp chắc bền cho lời đáp “Còn được thở đã là Hạnh Phúc, mở mắt ra thấy mẹ cha, thân quyến, bạn bè còn bình an, đã là Hạnh Phúc. Và hãy biết Đủ để được Hạnh Phúc.”

Là một người yêu cuộc sống tĩnh lặng khép kín, chưa bao giờ mình gặp gỡ nhiều người xa lạ nhiều như 120 ngày qua. Chỉ nhìn qua hàng rào thép gai, chỉ nhìn thấy nhau được qua đôi mắt, mình thấy trong những đôi mắt ấy cả sự sợ hãi, tuyệt vọng, khổ đau và rất nhiều những niềm vui nhỏ bé, và hi vọng. Và quan trọng nhất, mình thấy mình trong những đôi mắt ấy. Covid nhắc chúng ta: “Này anh, anh không thể sống một mình đâu. Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, khoẻ mạnh hay ốm đau, anh vẫn là một thành viên không thể tách rời của xã hội. Vậy nên bớt vị kỷ, bớt vô cảm, bớt sân si, bớt trách móc thế giới xung quanh như thể mình vô can với mọi sự. Covid nó dùng nhịp thở – thứ ai cũng có và cũng cần- để điều chỉnh chúng ta và bắt từng người phải thuộc bài: Chúng ta thật nhỏ bé, và chúng ta luôn cần nương tựa vào nhau trong dòng chảy vô thường của cuộc sống.

Đã có hàng chục ngàn người đã không còn có thể cùng chúng ta đón Ngày mai, đón Bình thường mới, vậy nên dù ngày mai lại đông vui, lại kẹt xe, lại tắc đường nhưng cũng đừng bao giờ lãng quên đã có một khoảng thời gian chúng ta đã sống, như ở Saigon, 120 ngày qua. Nhớ không phải để bi quan, không phải để sợ hãi mà để trân trọng hơn những gì chúng ta đã có lại được sau rất nhiều thương đau. Vì Saigon, vì tất cả chúng ta!

Hoàng Huy

P.S: Ảnh tớ chụp buổi chiều giãn cách cuối cùng ở Saigon, thấy nó giống mình nên chụp lại: mắt luôn mở to và để dành đầu óc cho những điều hay ho.

#Saigon #Covid #LockdownEnds #NewLife