Sống với Đời

Bố vẫn thường dạy mình : “Hãy cống hiến, giúp đỡ cuộc đời rồi sẽ có lúc cuộc đời sẽ lại cảm ơn mình.” Lời dạy ấy mình đã được nghe từ khi chưa kịp lớn để hiểu cho đến lúc trưởng thành về tư duy đủ để cảm nhận sâu sắc tính nhân văn nằm sâu trong đó. Và đến ngày hôm nay, trải nghiệm đã thực sự khẳng định cho mình biết rằng chân lý ấy luôn hiện diện trong cuộc sống này bất kể ta có nhận ra hay không.

 

Đứng giữa đất trời rộng lớn và biển đời bao la, không ai dám lớn tiếng khẳng định rằng: Suốt cả cuộc đời này, tôi luôn là người mạnh mẽ, tôi không bao giờ cần tới sự giúp đỡ. Quyền lực, tiền bạc và địa vị xã hội cũng chỉ là những tấm áo khoác lạnh lùng bề ngoài phủ bên trong một trái tim nóng.Và đã là trái tim nóng thì có lẽ chỉ có hai loại người mà như Banzac nói : “người mạnh nhất và kẻ yếu nhất”  là không biết sợđáng tiếc rằng đại đa số chúng ta đều đang đứng ở giữa: không phải là người yếu nhất nhưng cũng chưa phải là kẻ mạnh nhất, điều đó đồng nghĩa với một phút giây nào đó giữa dòng đời, ta cũng đã hoặc sẽ sợ hãi, hoang mang, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, khốn khó. Với những người có bản lĩnh mạnh mẽ, ý chí kiên cường, họ sẽ nhanh chóng tự vượt ra khỏi cái chếnh choáng, vô định hướng đấy để tìm ra một hướng đi mới, hay đúng hơn là một lối thoát. Còn phần đông còn lại sẽ rất cần một bàn tay chìa ra hay đơn giản hơn là một sự chỉ đường dẫn lối. Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống như thế, ai đã chìa tay ra với bạn? Ai đã chỉ đường cho bạn? Đó rất có thể là người thân, bạn bè, và những mối quan hệ quen biết; nhưng cũng hoàn toàn cũng có thể là từ một người hoàn toàn xa lạ. Cũng sẽ phải hoài nghi, tuy nhiên nhiều khi hoàn cảnh sẽ vẫn buộc bạn phải đón nhận sự giúp đỡ từ người đó khi mà sự hoài nghi đó còn chưa kịp chấm dứt. Họ là ai? Là người như thế nào? Họ mong muốn gì đằng sau sự giúp đỡ này hay nói cách khác, tại sao họ lại sẵn sàng giúp đỡ bạn??? Và khi bạn nhận ra rằng: Họ chẳng có mối liên hệ xã hội nào với bạn, họ chẳng hề suy tính gì về sự giúp đỡ họ đang dành cho bạn; bạn nghĩ sao???

 

Sự giúp đỡ chân chính và chí tình sẽ chỉ giữ được ý nghĩa tốt đẹp của nó nếu như xuất phát từ một động cơ trong sáng, vô tư và không nhằm tới sự hồi đáp. Nếu không phải vì như vậy, sẽ là sự trao đổi.

 

Khi tiếp nhận sự giúp đỡ từ một ai đó, theo quán tính đạo đức của xã hội loài người từ ngàn đời nay, lòng biết ơn sẽ xuất hiện như một lẽ thường và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau tùy theo bối cảnh giáo dục và trình độ văn hóa ứng xử của mỗi người. Hình thức đơn giản và phổ biến nhất xuất hiện trong mọi ngôn ngữ trên thế giới: “Thank – Danker – Xie xie – Arigato…….” và CẢM ƠN. Điều đó lại thêm một minh chứng cho thấy rằng lời cảm ơn hay suy rộng ra là sự biểu đạt lòng biết ơn là một điểm tương đồng không thể thiếu trong nền văn minh phi biên giới của nhân loại. Người nhận lời cảm ơn từ bạn sẽ không giàu lên hay nghèo đi từ lời nói ấy, nhưng chắc chắn họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự giúp đỡ của họ là có ý nghĩa và đã được ghi nhận, đồng thời cũng thể hiện rằng bạn là người có văn hóa. Do đó, lời cảm ơn mang giá trị lớn hơn nhiều lần hơn ý nghĩa từ vựng của nó.

 

Mình đã đọc được ở đâu đó một câu nói mà càng nghĩ lại càng thấy có ý nghĩa: “Lòng biết ơn là khởi nguồn của đạo đức.” Thật vậy, lòng biết ơn với mẹ cha sẽ dẫn đến sự hiếu nghĩa, lòng biết ơn với những người đã sáng tạo ra của cải vật chất sẽ đem lại tính tiết kiệm, trân trọng giá trị lao động, lòng biết ơn với Tổ Quốc là tiền đề của lòng yêu nước, và tất nhiên, những người biết ơn Cuộc đời sẽ biết cách để sống như một người lương thiện, một công dân tốt để làm đẹp cho đời.

 

Bạn có bao giờ cho rằng lòng biết ơn chỉ có giá như một món nợ? Đừng nghĩ vậy, bởi lẽ lòng biết ơn nằm ngoài quy luật giá trị, bởi lẽ giá trị bạn được giúp đỡ luôn luôn lớn hơn giá trị bạn ngộ nhận rằng mình đã “trả lại” được. Do đó, lòng biết ơn là một giá trị thặng dư vô hình đặc trưng của tình cảm con người. Vậy nên người Việt mới có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no

 

 

Đã bao giờ vì quá “vội vàng” mà bạn quên bày tỏ lòng biết ơn của mình với người đã giúp đỡ bạn dù chỉ bằng lời nói, đã bao giờ bạn dành một phút để nhìn lại văn hóa ứng xử của bản thân đối với họ và thử hình dung mình sẽ ra sao nếu tại thời điểm đó họ không giúp đỡ? Làm như vậy, bạn sẽ luôn biết trân trọng nhân cách của chính mình và hiểu được rằng nếu bạn không vô tâm với cuộc đời, cuộc đời sẽ không bao giờ vô tâm với bạn.

 

Hiểu và trải nghiệm hết câu nói của bố, mình sẽ vẫn cố gắng để luôn“Cống hiến, giúp đỡ cuộc đời để rồi dù cuộc đời vì quá bận rộn mà chưa kịp cảm ơn lại mình, thì mình vẫn kịp tận hưởng niềm vui và hạnh phúc vì góp phần làm cho cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn.”. Nhìn đời bằng ánh mắt bao dung hơn, cởi mở tấm lòng rộng lượng hơn để thấy rằng mỗi ngày đều là một ngày vui nếu như bạn đã làm được một gì đó tốt cho một ai đó, dù là không quen biết và dù họ vội bước đi mà “chưa kịp” cảm ơn bạn.