SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
Mấy hôm nay dân mạng lại được dịp lên đồng như mọi khi: cười cợt có, chửi rủa có, dè bỉu có khi một người chơi gameshow truyền hình “Ai là triệu phú?” chẳng may không biết El Nino là gì, và lỡ dại trả lời canh cua nấu với……………..củ cải.
Nếu bạn ấy mù chữ chắc ít người cười hơn, cái tội lớn nhất mà dân mạng tự kết án bạn ấy là…….làm kỹ sư ô tô mà lại dám không biết canh cua phải nấu với gì??? Ai cho ngươi cái quyền không biết một điều ai cũng biết như thế?
Mình không thấy bạn ấy có gì đáng buồn cười cả, vì đó đâu phải câu chuyện hiếm ngày nay, chẳng qua là lên TV thì thành câu chuyện cười thôi.
Mình chỉ thấy buồn cười là rất nhiều người quy kết đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục này nọ, đổ lỗi cho những thứ vô cùng to tát vĩ mô mà thực ra nguyên nhân rất đơn giản, ngày nào cũng thấy.
Nhà trường không có trách nhiệm phải dạy canh cua phải nấu với rau đay, chỉ có bữa cơm gia đình dạy điều đó.
Giáo viên không dạy học sinh phải nấu cơm như thế nào, chỉ có cha mẹ sẽ dạy những điều đơn giản ấy.
Thế hệ canh-cua- nấu-với- củ -cải không phải đến 8x hay 9x -10x mới xuất hiện nhưng đặc biệt nở rộ ở thời gian này, khi ở các thành phố lớn cho tới các vùng thị xã phát triển, trẻ con đâu có còn được là trẻ con, mà đều đã biến thành ngựa đua, trong khi nài ngựa nhẫn tâm nhất không ai khác lại chính là các bậc phụ huynh.
Thế hệ này có những ông bố bà mẹ nghĩ rằng chỉ cần con được học sinh giỏi, chỉ cần con có bằng kỹ sư hay đại học gì đó là con 100% hạnh phúc. Bé ở nhà có Mẹ hoặc có người giúp việc, lập gia đình có người giúp việc; con cứ việc học, thế giới để bố mẹ và người giúp việc lo. Bữa ăn chiều của các em là những chiếc bánh mỳ – nắm xôi gặm vội trên yên xe bố mẹ chạy cho kịp giờ học thêm sau giờ học chính. Cảnh này là một trong những cảnh buồn nhất trên đường phố Sài Gòn mà mình thấy mỗi ngày.
Ở thế hệ này, chuyện biết luộc gạo thành cơm nhưng không hề biết nấu đến một món ăn ra hồn chẳng có gì hiếm. Và điều đáng buồn hơn cả, đó là: thế hệ này sẽ ngày càng đông đảo hơn khi tuổi thơ của các em đang bị các ông bố bà mẹ đổ xô bán rẻ cho những tấm giấy khen, thành tích trên trường lớp. Bởi lẽ, con không may mà học dốt, bố mẹ lấy gì mà khoe nhau, khi mà cái thời khoe nhà, khoe xe đang dần thoái trào, thì khoe con lại trở thành phong trào thời thượng. Lo tương lai con không thành đạt một, nhưng lo mình không thành đạt trọn vẹn lại là gấp đôi.
“Cháu nó có vào được Ngoại thương không? Sau này định làm cái Master ở nước nào…..”
“Cái gì, chỉ học trung cấp nghề thôi ah, chết chết, sao anh chị lại để thế sao được….”
Đấy- chuyện đấy còn đáng cười gấp vạn lần canh cua nấu với củ cải.
Vốn sống của mỗi người ngoài kiến thức tường minh (knowledge) – những điều học qua sách vở và trải nghiệm (experience) – những điều tự thân trải qua thì gốc rễ đầu tiên vẫn là những điều thường thức những điều phần đông mọi người đều biết mà tiếng Anh hay gọi là “Common sense”. Và khi bản thân và môi trường giáo dục gần gũi nhất là gia đình rằng tự nhận định rằng không cần phải biết những điều tầm thường ấy thì sẽ chẳng bao giờ biết, dù là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Canh cua nấu với củ cải có khi vẫn còn ăn được, còn sự ích kỷ và sĩ diện mãn tính của các bậc phụ huynh nấu chung với sự thụ động ỷ lại của các con vàng con bạc thế hệ @ sẽ còn tạo ra một tương lai còn nhiều chuyện cười mà như khóc cho chính chúng ta. Thật đấy!
Hoàng Huy