THƯƠNG LẮM………..VIỆT KIỀU ƠI!

THƯƠNG LẮM………..VIỆT KIỀU ƠI!

Tết là mùa đoàn tụ. Khắp các ga đến quốc tế của các sân bay vốn đã chật lại càng chật hơn những bóng người chờ đón người thân ở xa trở về. Là nụ cười, là nước mắt, là niềm vui ngày gặp mặt….Mình vẫn thường đi chầm chậm lại khi đi qua những nơi ấy để chứng kiến những khoảnh khắc ấy. Vì với tư cách một người đã từng sống đủ lâu và ở rất xa Tổ Quốc, mình rất hiểu cái cảm giác ấy nó thiêng liêng và thân thương biết nhường nào. Có những người đi xa chờ đợi 5 năm, 10 năm, và có khi chờ đợi……..gần cả cuộc đời để trở về với quê hương và những người thân thuộc.
Nhưng bài viết này lại để nói về những gì chưa thật vui sau những niềm vui của ngày hội ngộ. Những điều ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng chẳng mấy người nói thành lời, nhất là những người trong cuộc.

Những năm bắt đầu đất nước mở cửa, khi thế hệ mình được sinh ra, người ta đã từng định nghĩa Kiều là một khái niệm chuẩn mực cho sự giàu có và thành công: những bộ quần áo đẹp, mùi nước hoa thơm nức, những món quà lạ lẫm mà Việt Nam chưa từng thấy. Ở thành phố Cảng của mình, người ta còn dùng từ Kiều như một cách giải thích dễ hiểu cho sự giàu có của một gia đình nào đó “Ah, nhà đấy có kiều Anh, kiều Pháp, kiều Mỹ….gì gì đó.” Mình đã từng có mơ ước được thành Kiều, cho đến khi mình hiểu được nỗi khổ của những người “bị” mang danh Kiều.

Kiều ở các nước không biết như thế nào, chứ Việt Kiều thì hình như tuyệt nhiên không có quyền được…. Nghèo
Nhưng một thực tế rất chân thật đó là, không phải Kiều nào cũng giàu có và dư dả như trong suy nghĩ của rất nhiều người ở trong nước. Kiều -họ cũng có đầy đủ những lo toan cuộc sống, những vất vả bộn bề….ở nơi xứ người. Không có một ai sau bao nhiêu năm tháng về với gia đình, về với quê hương lại nói rằng “Ở bên ấy, tôi vất vả lắm, khó khăn lắm.” Phần vì thể diện bản thân, phần vì cái tiếng của một người sống ở nước ngoài, phần vì sợ người nhà buồn lo, và nhiều lý do khác rất riêng của mỗi người.

Mình xin kể một câu chuyện có thật về một Việt Kiều đáng kính mà mình biết. Hơn 30 năm sống ở xứ người, làm đủ thứ công việc, làm ngày không đủ tranh thủ làm cả đêm vài job……….nhưng không phải để mua nhà, mua xe hay gây dựng một cuộc sống riêng sung túc, mà là để gom góp từng đồng ngoại tệ gửi về chăm lo cho……….mười mấy gia đình anh chị em ở nhà. Đến mức dù có tuyết rơi lạnh lẽo đến mấy cũng chỉ mặc thêm áo ấm trong nhà mà hạn chế bật lò sưởi để tiết kiệm tiền gửi về. Và mình tin trong hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài, rất nhiều rất nhiều người có tình cảm yêu thương vô bờ bến với quê hương –gia đình như vậy. Đó là một vẻ đẹp rất đáng trân quý của người Việt Nam.

Ở nơi ấy, Việt Kiều………phần đông là những người rất cô đơn. Khi bạn bè bản xứ xung quanh đi nghỉ dưỡng, du lịch bên Đông bên Tây, nước này nước khác thì với họ kỳ nghỉ quan trọng và được trông đợi nhất trong năm chỉ có thể là Việt Nam, là “về quê”, là về với những nhớ thương mòn mỏi suốt bao ngày. Nhưng không biết người ở nhà có bao giờ nghĩ rằng, chính mình đã vô tình làm cho những chuyến trở về đấy có khi thành gánh nặng, thành nỗi lo, và thậm chí dần dần thành nỗi buồn cho những người con xa xứ.
Mỗi chuyến đi, ngoài chi phí đi lại di chuyển, một khoản chi phí khủng khiếp hơn nhiều là quà cáp, và những khoản tiền để cho người thân họ hàng…..là đủ thổi bay tiết kiệm cả năm thậm chí vài năm của rất nhiều người.
Đó là gì? Là mồ hôi, là những tháng ngày quần quật làm việc bạc mặt nơi xứ người để chắt chiu dành dụm Và có khi là cả những kỳ bốc hụi vội vã để kịp cho một chuyến đi về.
Và rất buồn khi thấy rằng những tình cảm tốt đẹp ấy của người ở xa nhiều khi bị lạm dụng. Những shopping list dài thật dài từ con cháu, người nhà được gửi sang, những đòi hỏi – xin xỏ vật chất từ đủ các thứ mối quan hệ mỗi khi nghe thấy tin Kiều sắp về. Không còn là những biểu hiện tốt đẹp đúng mức của tình cảm tự nhiên nữa mà bị lạm dụng biến tướng thành một mối quan hệ xin cho & đáp ứng nặng mùi vật chất. Người khó đã xin, và kẻ có cũng xin như một tập quán “Kiều mà, không xin là thiệt.” Và cứ thế mỗi năm, những chuyến trở về của Kiều cứ mãi bị biến thành những chuyến ship hàng xách tay xuyên quốc gia. Những nỗi buồn không dám nói thành lời của người đi xa lặng lẽ song hành niềm vui hoan hỉ khi được quà được tiền của những người ở nhà.

Thật lòng, mình không thấy có chút gì để mà tự hào khi người ta công bố mỗi năm Việt Nam nhận được trên dưới 10 tỷ USD từ nguồn kiều hối. Con số ấy càng lớn chứng tỏ nội lực quốc gia càng yếu dù rằng đó là dòng chảy tự nhiên trong mỗi nền kinh tế. Chỉ không lâu nữa đâu, khoảng 10-20 năm nữa, nguồn tiền đó sẽ yếu đi rồi không còn nữa cùng với thế hệ Việt Kiều nặng lòng, gắn bó với quê hương nhất. Một thế hệ Việt Kiều mới lớn lên, mối liên hệ với quê hương đã xa hơn, họ sẽ ít còn nghĩ đến chuyện phải cho – phải tặng Việt Nam cái gì nữa, và cần phải như thế để những người thích xin ở nhà biết thẳng lưng mà sống.

Mình chưa bao giờ cảm thấy đi xin, đi nhận được điều gì đó của ai cho không mà lại là một niềm vui sướng. Hoặc là mình quá ngu ngốc hoặc là mình không tiêu hóa được những suy nghĩ thiếu tự trọng của rất nhiều những người ưa vòi vĩnh, làm tiền chính người thân của mình. Chúng ta không thể vô cảm ung dung và vô tư hưởng thụ trên giọt mồ hôi nơi xứ người của những người thân yêu.
Hãy trân trọng người thân của chính mình bằng cách chủ động gỡ bỏ gánh nặng vô hình ấy cho họ, để cho những chuyến đi trở về thực sự là chuyến đi của niềm vui hội ngộ, của những tình cảm gia đình thân thương trong sáng.
Hãy trả lại cho Kiều được là những người sống thật, được nghèo được khó, được buồn, được vui như họ muốn……và không phải diễn trên chính quê hương mình, với chính người thân yêu của mình.
Quê hương là nơi duy nhất trên đời con người ta luôn có thể trở về bất kể thành công hơn thất bại, giàu có hay sang hèn, bởi vì quê hương luôn là mảnh đất bao dung nhất trong đời mỗi người.

“Tết rồi, hãy về nhà thôi, và đừng lo phải mua gì cả nhé.”
Nếu có người thân ở xa, bạn hãy gọi một cuộc điện thoại như vậy, và ở đầu dây bên kia sẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc của người bạn đang mong chờ trở về bấy lâu…bởi chỉ những trái tim chân thành mới tìm gặp được nhau.

Hoàng Huy.