TRUMP, BREXIT & CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA GIẤC MƠ THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG
TRUMP, BREXIT & CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA GIẤC MƠ THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG
Người ta sợ Trump thắng và rồi Trump thắng thật, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và để cả thế giới ngỡ ngàng vỡ mộng lần thứ 2 trong năm 2016 sau Brexit- cuộc ly hôn không nước mắt của nước Anh với EU. Thị trường tài chính lại được phen chao đảo sau một thắng lợi đi ngược lại với kỳ vọng của số đông những người……. không được quyền bỏ phiếu. Trump không hẳn là tốt nhưng là sự lựa chọn ít xấu nhất trong giỏ lựa chọn mới của người Mỹ lần này.
Tuy nhiên, trong chính trị không có sự lựa chọn Đúng hay Sai mà chỉ có sự lựa chọn thể hiện tính phù hợp với quyền lợi và mong muốn của quốc gia trong từng bối cảnh lịch sử.
Câu chuyện của hai cường quốc cách xa nhau ngàn dặm nhưng có lẽ đều cùng một căn nguyên gần gũi: một sự mệt mỏi đã được tích tụ dài lâu.
Họ chán phải đóng vai anh Hai anh Ba của một thế giới không bảo được nhau, nay can thằng này đừng oánh nhau nữa mai bảo thằng kìa dừng xung đột đi, và chỉ còn muốn được là chính họ – tập trung phụng sự chủ nghĩa dân tuý và lợi ích thiết thân ngắn hạn của người Mỹ người Anh.
Theo thống kê của BBC, khoảng 70% dân số Anh không cảm thấy thoải mái với có mặt của người nước ngoài trên đất nước của họ. Và có lẽ nhiều người Mỹ cũng cảm thấy rằng việc làm của họ đang bị xâm lấn bởi những người nhập cư đến sau cũng như trào lưu gia công ngoài Mỹ (outsourcing) vốn đang cực kỳ phổ biến.
Thế giới sẽ trách người Mỹ- Anh ích kỉ nhưng bạn có bao giờ tự hỏi mình: bạn có thực sự thoải mái không khi đọc đâu đó khu công nghiệp này khu chế xuất kia sử dụng 100% nhân lực trung quốc.
Một dân tộc hay một quốc gia cũng đều là những tính cách lớn mà trong đó dù ít nhiều cũng có phần ích kỷ. Và sự ích kỉ của chủ nghĩa dân tộc sẽ càng gia tăng khi quyền lợi bị xâm phạm. Sự ích kỷ càng trỗi lên thì càng có khả năng người ta co cụm lại để bảo vệ lợi ích bỏ qua những rào cản duy lý trí.
Cứ nhớ lại những hàng dài người Ba Lan, Hungary, Rumani và châu Phi xếp hàng lổn nhổn như chợ người ở khu Seven Sisters – London và sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào với giá £40/ngày trong khi lương cơ bản đang là gần £7/giờ, mình lại thấy thông cảm với sự ngao ngán của người Anh trước gánh nặng trên trời rơi xuống của họ và buộc lòng phải gạt nước mắt ra đi dù tổn thất không nhỏ.
Tương tự như vậy, nước Mỹ đang cần được thông cảm. Họ giống như một người khổng lồ đang hỏi mệt và cần được nghỉ ngơi để tìm lại chính mình. Mỗi ngày có bao nhiêu tỉ phú, doanh nhân thành đạt tiền cao như núi có ước mơ nhỏ nhoi là được về nhà ăn bữa cơm gia đình đơn giản và ngủ một giấc yên bình thay vì tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Nước Mỹ cũng đang như vậy. Mệt và cần hồi phục sức khoẻ.
Brexit và Trump giống nhau ở chỗ đều hút được phiếu từ số cử tri lớn tuổi, sống ở các vùng/bang kinh tế ít năng động hơn và có quan điểm bảo thủ hơn. Trong khi London, Birmingham hay New York, Washington DC…..nơi tập trung số lượng cử tri trẻ với quan điểm hội nhập mạnh mẽ hơn thì luôn nghiêng về những lựa chọn hướng ngoại hơn.
Người Mỹ đang khát khao một sự thay đổi, dù rằng chính họ cũng chưa hình dung hết bức tranh sẽ phải thay đổi như nào; nhưng có vẻ kết quả bầu cử cho thấy họ có niềm tin nhiều hơn vào một tổng thống có gốc con buôn nói được- làm được hơn là một chính trị gia đã quá lão luyện và dày dặn kinh nghiệm; và quả thật vẫn chưa đủ cởi mở để sẵn sàng cho một nữ tổng thống. “Make America great again” – Khẩu hiệu tranh cử của Trump “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại một lần nữa” trở nên gần gũi với cử tri và thực tế nó đã chứng minh hiệu quả đến không ngờ. Với tính thực dụng cao độ của người Mỹ, mọi sự vĩ đại đều phải xuất phát từ nội lực, thay vì có mặt chỗ này chỗ kia trên thế giới giải quyết những vấn đề lợi ích xa xôi. Người dân họ thích giảm thuế, thêm việc làm…..- những lợi ích ngắn hạn ngay trước mắt hơn là những tầm nhìn- sứ mệnh quốc tế dài lâu của các chính trị gia.
Nước Mỹ sẽ đi về lo cho dân Mỹ – tập trung giải quyết những vấn đề nội tại còn tồn đọng của nước Mỹ, và để thế giới tự xoay xở những vấn đề riêng của mình. Và có lẽ cần phải thế.
Không chế độ và bộ máy chính trị nào có thể đời đời thịnh vượng, nếu như Obama đã đi vào lịch sử như một vị tổng thống uyên bác, chính trực, đầy nhân văn nhưng cũng đầy quyết đoán và dẫn dắt nước Mỹ đi qua khủng hoảng kinh tế tới những nốt thăng cao độ thì biết đâu giờ là đến lúc cho những nốt trầm xao xuyến của nhạc trưởng Trump.
Chưa chắc đâu, nhưng thế giới đang bước vào chu kỳ biến đổi mới. Đừng nghe chính trị gia hứa, hãy nhìn doanh nhân làm – phải chăng là thế?
Dù người dân Mỹ có bầu ai lên để phụng sự cho nguyên vọng của họ, thì cũng chúc mừng họ vì với một đất nước chưa đầy 300 năm lịch sử nhưng đã tạo dựng được một cơ chế dân chủ đích thực để chọn đầy tớ cho mình làm thế giới phải thao thức hồi hộp, hơn hẳn một số đất nước ngàn năm văn hiến nhưng phần đông nhân dân vẫn chưa tự trả lời được câu hỏi: thực ra mình đang làm chủ hay là còn chưa bằng đầy tớ???
Có một chút buồn: Trump thắng, TPP sẽ không còn được như kỳ vọng thậm chí sẽ sụp đổ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này, và Việt Nam sẽ lại lầm lũi đi tiếp con đường hướng về phương Bắc tối như đêm 30 của mình khi ngọn đèn le lói đằng xa chưa kịp loé sáng đã vừa vụt tắt. Thế thôi!
Hoàng Huy
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.